Quyết định họp đột xuất vào hôm nay của ECB được đưa ra chỉ vài giờ trước quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Quyết định họp đột xuất vào hôm nay của ECB được đưa ra chỉ vài giờ trước quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đột ngột thông báo tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ vào hôm nay (ngày 15/6) trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ đang gia tăng tại nhiều quốc gia thuộc khu vực đồng Euro.
Phát ngôn viên của cơ quan này cho biết: “ECB tổ chức một cuộc họp đột xuất như này nhằm thảo luận về điều kiện của thị trường hiện tại”.
Trên thực tế, một chỉ số được xem như thước đo nỗi sợ hãi của châu Âu là chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu của Ý và Đức, đã mở rộng nhiều nhất kể từ đầu năm 2020 vào phiên hôm nay.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm đã vượt mốc 4% vào đầu tuần này.
Động thái trên thị trường trái phiếu đã nhấn mạnh sự lo lắng của giới đầu tư về việc Ngân hàng Trung ương có thể ngày càng siết chặt chính sách tiền tệ hơn so với mức dự kiến trước đây. Song song đó, ECB tuần trước cũng không cung cấp bất kỳ chi tiết về các gói biện pháp hỗ trợ những quốc gia đang “chìm” trong “biển nợ” ở khu vực đồng Euro. Điều này càng làm gia tăng thêm lo ngại của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sau thông báo tổ chức cuộc họp ngày hôm nay, lợi tức trái phiếu đã giảm và đồng Euro tăng cao hơn so với USD. Đồng Euro giao dịch ở mức 0,7%, lên 1,04/USD trước thời điểm mở cửa giao dịch tại thị trường này.
Không những thế, cổ phiếu của các ngân hàng Ý cũng ghi nhận đà tăng sau thông báo họp với Intesa Sanpaolo và Banco Bpm đều tăng 5% vào đầu phiên giao dịch.
Xem thêm: ECB ấn định ngày tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát
Ngoài ra, thị trường nói chung vẫn đang mong đợi ECB giải quyết những lo ngại về phân mảnh tài chính
Phản ứng của thị trường cho đến nay cho thấy rằng một số người chơi trên thị trường đang mong đợi ECB giải quyết những lo ngại về phân mảnh tài chính và phải cung cấp một số thông tin rõ ràng về những biện pháp mà cơ quan này có thể thực hiện để hỗ trợ các quốc gia đang đối mặt với tỷ lệ nợ cao.
Thông tin thêm, một trong những thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử của ECB là vào năm 2012 khi cựu Chủ tịch Mario Draghi cho biết, Ngân hàng Trung ương sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để bảo vệ đồng tiền chung.
Bên cạnh đó, ngày hôm qua, Isabel Schnabel - thành viên ban điều hành của ECB cho biết: “Cam kết của chúng tôi đối với đồng Euro là công cụ chống phân mảnh của thị trường. Để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp mới, chúng tôi sẽ tận dụng những công cụ hiện có và tùy vào từng hoàn cảnh, các công cụ để xử lý sẽ khác nhau. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, trong tình thế cần thiết, ECB vẫn có thể và sẽ triển khai một loạt công cụ mới nhằm đảm bảo chính sách tiền tệ được tiến hành đúng mong muốn”.
Sự phân mảnh tài chính là một rủi ro đối với khu vực đồng Euro. Mặc dù 19 thành viên của khu vực đồng Euro có năng lực tài chính khác nhau nhưng họ sử dụng chung một loại tiền tệ. Do đó, sự bất ổn ở một quốc gia cũng có thể lan sang các quốc gia thành viên khác.
Xem thêm: ECB chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ