Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước...
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước...
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, không để ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, thực hiện tích cực, quyết liệt theo thẩm quyền các giải pháp, biện pháp đồng bộ, điều hành để bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và quy định của pháp luật về giá, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, cước phí vận tải, chi phí logistics...
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, bảo đảm năng lực sản xuất xăng dầu hiệu quả, đạt sản lượng cung cấp tối đa theo thiết kế của các nhà máy;
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ; trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan tham mưu xây dựng kịch bản điều hành giá xăng dầu trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2022;
Tập trung, chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu thường xuyên theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi chuyển tải hàng hóa qua Việt Nam, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại; chủ động, tích cực ứng phó hiệu quả các vụ kiện đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, có kim ngạch lớn;
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về xuất xứ, kiểm dịch, an toàn thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt hơn cơ hội thị trường do các hiệp định mang lại.