Didi Taihuttu cùng vợ và 3 con đã bán tài sản, mua Bitcoin vào năm 2017 khi mỗi đồng chỉ có giá 900 USD. Giờ đây, gia đình người Hà Lan đang trữ ví tiền ảo trong các nơi bí mật phân tán khắp 4 lục địa.
Didi Taihuttu cùng vợ và 3 con đã bán tài sản, mua Bitcoin vào năm 2017 khi mỗi đồng chỉ có giá 900 USD. Giờ đây, gia đình người Hà Lan đang trữ ví tiền ảo trong các nơi bí mật phân tán khắp 4 lục địa.
Theo CNBC, họ có hai ví ở châu Âu, hai ví ở châu Á, một ví ở Nam Mỹ và một ví ở Úc. Chúng có thể nằm trong một căn hộ cho thuê, gửi nhà bạn bè hoặc kho chứa cá nhân. Taihuttu nói: "Tôi thích sống trong một thế giới phi tập trung, tự bảo vệ tài sản của mình".
Có nhiều cách để trữ tiền mã hóa. Nhiều người thường gửi lưu ký cho những sàn giao dịch như Coinbase hay PayPal, nhưng ai rành công nghệ hơn có thể tự giữ tiền mà không cần bên trung gian.
Ví nóng là ví kết nối internet, cho phép chủ sở hữu dễ dàng truy cập vào số tiền của mình, nhưng đổi lại loại ví này cũng dễ bị kẻ xấu nhắm tới hơn.
Philip Gradwell, chuyên gia kinh tế tại công ty blockchain Chainalysis cho biết: "Ví lạnh ám chỉ chủ sở hữu đang trữ tiền trong phần cứng không kết nối với internet, do đó tin tặc không thể xâm nhập và đánh cắp chìa khóa cá nhân (private key) của họ".
Những thiết bị nhỏ bằng đầu ngón tay cái như ví lạnh Trezor hay Ledger là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư muốn tự giữ tiền. Square cũng đang phát triển dịch vụ giữ tiền cho khách hàng trong ví lạnh.
Báo cáo gần đây của Chainalysis cho thấy 11,8 triệu Bitcoin đang nằm trong tay các nhà đầu tư dài hạn, 3,7 triệu Bitcoin bị mất, 3,2 triệu đang luân chuyển giữa các nhà giao dịch và 2,4 triệu còn lại vẫn chưa được khai thác.
Gradwell cho biết: "Chúng ta có thể đoán được ví nào là ví lạnh nhờ một số dấu hiệu cụ thể, chẳng hạn như ví đó nhận được một lượng lớn tiền ảo từ nguồn duy nhất và không gửi đi đâu trong thời gian dài, rồi bỗng dưng được rút hết sạch. Nhưng không thể khẳng định chắc chắn chúng là ví lạnh".
Trong trường hợp gia đình Taihuttu, 26% số tiền ảo họ đang sở hữu nằm trong ví nóng. Taihuttu gọi đây là "vốn rủi ro". Ông dùng tiền trong ví nóng để giao dịch, đặt cược, chẳng hạn ông từng bán Dogecoin để kiếm lời sau đó mua lại khi giá Dogecoin chạm đáy.
74% số tiền còn lại nằm trong các ví lạnh được rải khắp toàn cầu. Gia đình từ chối cho biết số tiền họ đang nắm giữ, chỉ biết họ đang sở hữu Bitcoin, Ethereum và cả Litecoin.
Giữ Bitcoin trong ví lạnh đòi hỏi rất nhiều công sức bảo trì. Muốn lấy số tiền đó, Taihuttu phải bay đến tận nơi cất ví. Vậy nên ông quyết định phân tán chúng khắp các châu lục để công việc của mình thuận lợi hơn.
Các sàn giao dịch cũng thường sử dụng ví lạnh để bảo vệ số tiền mà khách hàng gửi cho họ. Bên trong các ngọn núi ở Thụy Sĩ là những boongke quân sự đã ngừng hoạt động từ lâu, không có kết nối internet. Theo thông tin từ ngân hàng kỹ thuật số Xapo, những boongke đó đang được đội an ninh canh gác, vệ tinh theo dõi mỗi ngày. Thứ nằm trong boongke chính là Bitcoin. Coinbase mua lại Xapo năm 2019 để có thêm phương án trữ tiền cho khách hàng.
Tuy nhiên, Taihuttu lại cho rằng biện pháp bảo mật như Coinbase "quá tập trung". Nic Carter - đồng sáng lập Coin Metrics cho biết: "Nếu bạn muốn tiền của mình nằm ngoài tầm với của nhà nước, bạn nên tự giữ khóa cá nhân, tương tự như chôn thỏi vàng ở sân sau nhà".
Đó là lý do khiến Taihuttu không nhờ tới ngân hàng hay bưu điện. Ông sợ mất tiền nếu những công ty này phá sản. Nhưng ông cho rằng những công ty cung cấp dịch vụ trữ tiền trong ví lạnh cũng đang làm rất tốt dù biện pháp của họ không hẳn đúng như ý ông.
Vân Phú, kỹ sư phần mềm của Floating Point Group cho rằng hiện nay có nhiều cách trữ tiền ảo an toàn hơn, không nhất thiết phải nhờ tới ví lạnh. Mô hình tính toán đa bên MPC đang ngày càng được ưa chuộng trong lĩnh vực tài sản số. Thay vì một người giữ khóa cá nhân, MPC sẽ chia khóa thành nhiều phần, mã hóa chúng rồi đưa khóa cho nhiều bên khác nhau, như vậy yêu cầu các bên phải đồng ý thì giao dịch mới được thực hiện.