Đáp lại các yêu cầu lặp đi lặp lại từ một số quốc gia, Ủy ban châu Âu đã đề xuất mức trần giá vào tháng trước như phản ứng mới nhất của EU đối với biến động kinh tế gây ra do Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong năm nay, dẫn đến giá năng lượng tăng đột biến.
Nhưng với việc các quốc gia chia rẽ sâu sắc về các chi tiết xung quanh mức giá trần khí đốt được đề xuất, cuộc họp ngày hôm qua đã không đưa ra quyết định cuối cùng. Điều này đồng nghĩa với việc các bộ trưởng năng lượng EU phải cố gắng đạt được thỏa thuận một lần nữa tại một cuộc họp khác dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/12 tới.
"Chúng tôi đã đạt được tiến bộ, nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được sự nhất trí. Không phải tất cả các câu hỏi đều có thể được trả lời hôm nay", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết sau cuộc họp kéo dài hàng giờ đồng hồ khi các đại biểu các nước thành viên EU tìm kiếm một sự thỏa hiệp.
Bộ trưởng Công nghiệp Séc Josef Sikela, người chủ trì cuộc họp, cho biết ông có "cảm giác tốt" rằng các quốc gia thành viên có thể đạt được thỏa thuận về mức giá trần mà ông cho rằng đây là vấn đề duy nhất vẫn chưa được giải quyết.
“Tuy nhiên, đó là một sự cân bằng cực kỳ mong manh và đây là lần đầu tiên về cơ bản chúng tôi cố gắng can thiệp vào thị trường toàn cầu,” Bộ trưởng Sikela cho biết tại một cuộc họp báo.
Các quốc gia bao gồm Đức, Áo và Hà Lan đã cảnh báo về việc hạn chế giá khí đốt, điều mà họ lo ngại có thể làm chuyển hướng các lô hàng khí đốt rất cần thiết từ châu Âu sang nơi khác và làm gián đoạn hoạt động của thị trường năng lượng.
Các quốc gia khác, bao gồm Hy Lạp, Bỉ, Ý và Ba Lan đã yêu cầu áp đặt một mức giá trần mà họ cho rằng sẽ bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi giá năng lượng cao.
Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Konstantinos Skrekas hôm qua đã cho biết trước cuộc họp rằng: "Các công dân châu Âu đang rất lo lắng, các doanh nghiệp châu Âu đang phải đóng cửa và châu Âu đang tranh luận một cách không cần thiết".
Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ đòi hỏi các quốc gia thành viên đạt được thỏa hiệp về các chi tiết kỹ thuật xung quanh nó, bao gồm giới hạn giá cao như thế nào, áp dụng cho hợp đồng khí đốt nào và các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như cho phép EU đình chỉ giá trần ngay lập tức nếu nó gây ra những hậu quả không lường trước được.
Trong nỗ lực tìm kiếm một sự thỏa hiệp, Cộng hòa Séc - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU - đã soạn thảo một đề xuất mới trong ngày hôm qua, theo đó mức giá trần sẽ được kích hoạt nếu giá khí đốt vượt quá 200 euro/1 megawatt giờ trong hơn ba ngày đối với hợp đồng tương lai gần đến ngày đáo hạn trên sàn TTF của Hà Lan.
Giá hợp đồng cũng cần phải cao hơn 35 euro so với giá tham chiếu dựa trên những đánh giá về giá cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện có trong cùng thời kỳ.
Đề xuất này thấp hơn mức trần giá 275 euro/MWh do Ủy ban châu Âu đề xuất, nhưng một số quốc gia ủng hộ việc áp đặt giá trần khí đốt cho rằng mức giá trần này vẫn còn quá cao. Bộ trưởng Năng lượng Malta Miriam Dalli cho biết: “Kích hoạt một mức giá trần cao sẽ không làm dịu thị trường”.
Phe ủng hộ và phe chống giá trần đều có thể có đủ phiếu bầu để chặn một thỏa thuận đạt được.
Pháp tỏ ra quyết đoán trong các cuộc đàm phán cuối cùng. Ban đầu, Pháp ủng hộ việc áp đặt giá trần nhưng tuần trước nước này lại bày tỏ quan ngại về tác động có thể có của nó đối với thị trường tài chính, ba nhà ngoại giao của các nước EU tiết lộ.
Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Pháp Agnès Pannier-Runacher hôm qua cho biết bất kỳ mức giá trần nào cũng phải nhằm mục đích "đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính".
Tuần trước, Sàn giao dịch liên lục địa cho biết đề xuất của EU có thể đẩy giá xăng lên cao hơn, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết nó có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính.