Sáng 18/11, Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn phối hợp cùng Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức hội thảo: "Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam".
Sáng 18/11, Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn phối hợp cùng Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức hội thảo: "Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam".
Theo Ban tổ chức, hội thảo nhằm nhận diện các cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới dưới tác động của đại dịch COVID-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, dự báo triển vọng kinh doanh của các ngành nghề, đề xuất các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp vượt qua thách thức phát triển bền vững.
Tại hội thảo các chuyên gia đã đưa ra những gợi ý cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Chia sẻ tại hội thảo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế, Bộ Tài chính) cho biết, năm 2020, Chính phủ có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như Nghị định 41 về giãn, hoãn thuế trong 5 tháng để doanh nghiệp có nguồn vốn, dòng tiền để trả chi phí người lao động, đảm bảo dịch bệnh không lây lan.
Thực tế thực hiện lên tới 129.000 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm là 31.500 tỷ - dành cho bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa, có doanh thu dưới 200 tỷ. Năm 2021, đại dịch bùng phát phức tạp hơn, gói kích thích cũng rộng hơn, lớn hơn. Theo đó, cho tới thời điểm hiện tại số tiền thuế được gia hạn đã lên tới gần 120.000 tỷ đồng.
Gần đây, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng cổng thông tin điện tử để thu thuế từ thương mại điện tử sẽ khai trương vào tháng 12 tới đây. Nhà đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có thể khai thuế vào cổng thông tin này khi phát sinh thu nhập từ người Việt. Và nếu doanh nghiệp không khai thì sẽ có biện pháp xử lý, thu hồi thuế cho đất nước.
Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ gói ưu đãi với Nghị quyết 406 về ưu đãi giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; miễn thuế 6 tháng cuối năm cho các hộ kinh doanh ( thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng) với mong muốn doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng sản xuất; tiếp tục đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô như năm 2021 - giúp doanh nghiệp có nguồn lực tạm thời lo cho kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng cổng thu thuế, bảo đảm năm 2022, người dân, doanh nghiệp có thể nộp thuế mọi nơi, mọi lúc, đi nước ngoài cũng nộp thuế được. Về ý kiến doanh nghiệp lớn ở đâu trong chuỗi ưu tiễn và đóng góp cho nền kinh tế, cần phải hiểu rằng, chúng tôi đánh giá rất cao đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp lớn với nền kinh tế, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để đảm bảo có nguồn lực bền vững cho sự phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, đề xuất cần có văn bản hướng dẫn chính thức để doanh nghiệp an tâm khi bỏ ra những chi phí phòng dịch, chống dịch cho đất nước, cho doanh nghiệp và cho người lao động thì không chịu thuế.
Đây là những chi phí để đảm bảo sản xuất kinh doanh, phục vụ an toàn, chi phí lao động an toàn, được trừ vào thu nhập không chịu thuế. Cùng với đó, cần có quy định người lao động được doanh nghiệp đầu tư để phòng chống dịch thì thu nhập đó cần được tính là không phải chịu thuế vì chi phí phát sinh đó không tạo được giá trị gia tăng, không làm tăng thêm thu nhập thực tế của người lao động.
Tổng cục thuế sẵn sàng xin ý kiến Bộ Tài chính để có văn bản hướng dẫn cụ thể về những thu nhập không phải chịu thuế của doanh nghiệp và người lao động để doanh nghiệp yên tâm sản xuất và hoạt động, không phải lo khi kiểm toán, thanh tra yêu cầu kiểm tra.
Phát biểu tại hội thảo, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho rằng, sau gần 2 năm, đặc biệt là làn sóng thứ 4 kéo dài hơn 4 tháng, đại dịch đã để lại hậu quả lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, rồi sau đó là sự gián đoạn của chuỗi lao động cùng với chi phí đầu vào liên tục tăng trong lúc doanh thu sụt giảm, sản xuất ngưng trệ đã như những cơn sóng dữ dội trùm qua “ngưỡng chịu đựng” của hầu hết các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Câu hỏi đặt ra cho tất cả các doanh nhân và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt làm thế nào để doanh nghiệp thực sự phát triển một cách bền vững. Bao nhiêu các lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề thực sự hiểu vai trò của quản trị rủi ro như là một yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững?
Thực tế, đợt sóng COVID-19 thứ 4 vừa qua đã cho thấy rất rõ là hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp chưa có một cái nhìn đầy đủ, đúng đắn và toàn diện về quản trị rủi ro và khủng hoảng.Thực tế tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp phát triển và trưởng thành đã xây dựng khung quản trị rủi ro và đang thực hiện quản trị rủi ro nhưng về cơ bản vẫn bằng kinh nghiệm và tự phát là chính.
Còn lại, đại đa số, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, lại chưa có cơ chế và phương pháp luận để đánh giá, theo dõi, xử lý, giám sát rủi ro. Theo Deloitte, mục tiêu của quản trị rủi là cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của doanh nghiệp. Quản trị khủng hoảng là chương trình được xây dựng để sẵn sàng quản lý khủng hoảng ở cấp độ công ty khi rủi ro trọng yếu xảy ra.
Mục tiêu của quản trị khủng hoảng là quản lý và phản ứng lại các mối nguy để bảo vệ, duy trì giá trị và thương hiệu doanh nghiệp. Lập kế hoạch hoạt động kinh doanh liên tục là việc thiết lập chương trình nhằm xây dựng và triển khai các thủ tục liên quan đến gián đoạn hoạt động kinh doanh hàng ngày.
Trong điều kiện bình thường, quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng được xây dựng trên nền tảng hoạt động kinh doanh liên tục. Điều này đảm bảo cho khi có bất kỳ sự đứt gãy, gián đoạn nào diễn ra trong khủng hoảng, thì khả năng nối lại sự đứt gãy đó là nhanh nhất với chi phí thấp nhất. Khi COVID-19 xảy ra, thứ trọng yếu nhất cần triển khai là kích hoạt kế hoạch quản trị khủng hoảng cùng với kế hoạch kinh doanh liên tục, sau đó là kế hoạch khôi phục sau sự cố.
Vậy doanh nghiệp cần làm gì để thực hiện quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng trong bình thường mới? Một chương trình quản lý khủng hoảng toàn diện có thể mang lại một cách tiếp cận có tổ chức, có hệ thống để chuẩn bị và ứng phó đối với khủng hoảng. Để sống chung một cách thích ứng, an toàn và hiệu quả trong điều kiện mới, theo Deloitte đúc kết, có 6 nguyên tắc căn bản doanh nghiệp cần tuân thủ: Đặt nền móng, bảo toàn & thúc đẩy doanh thu, giảm và quản lý chặt chẽ chi phí, tối ưu hóa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; tăng tốc chuyển đổi số; quản lý các mong muốn.
Từ 6 nguyên tắc này, doanh nghiệp có thể tập trung vận dụng linh hoạt để tìm cơ hội trong thách thức để lựa chọn những chiến lược phù hợp với các nguy cơ và cơ hội đặt ra trước doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ các nhà lãnh đạo kiên tâm với những hành động chủ chốt trong từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn phục hồi và tái sản xuất để phát triển trở lại; đồng thời không ngừng củng cố sự tín nhiệm của các bên liên quan để tạo bệ đỡ vững chắc hơn cho sự phát triển lâu dài.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, về hoạt động ngành dệt may trong bối cảnh dịch bệnh, 10 tháng đã xuất khẩu 32 tỷ USD, trong đó, các sản phẩm xuất khẩu vải khoảng 2 tỷ USD còn ngành sợi dự kiến sẽ xuất khẩu 5 tỷ USD trong năm nay. Hiện nay, thị trường lớn nhập khẩu của chúng ta là Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản, và khối EU, Hàn Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xuất khẩu vào Canada.
Về vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do đại dịch, đối với ngành dệt may thì vấn đề này không đáng kể. Số người lao động bỏ việc trong đại dịch chỉ chiếm 6,7%. Bản thân các doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ cho người lao động trong 4 tháng đóng cửa.
"Tôi rất tâm đắc ý của bà Hà Thị Thu Thanh về việc nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng vấn đề quản trị rủi ro. Riêng ngành dệt 32% là doanh nghiệp FDI và 68% doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI có các giải pháp về chống rủi ro, chống khủng hoảng nên khi xảy ra sự cố họ đã chống đỡ tốt. Còn doanh nghiệp Việt chỉ có 4% làm được như vậy. Chỉ những doanh nghiệp đủ khả năng tài chính mới chú trọng vấn đề này, ông Giang nhấn mạnh.
Tại buổi hội thảo, ông Giang cũng đề nghị tổng hợp kiến nghị trình Chính phủ về định hướng lĩnh vực công nghiệp trong đó có công nghiệp y tế; Chính phủ nên hoạch định chiến lược các sản phẩm tái tạo; xây dựng chiến lược xanh hóa để bắt kịp xu thế thế giới; các chính sách cho người lao động và quản trị số cần hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng phát triển trong tương lai.
Tại hội thảo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, đại dịch COVID-19 đã kích hoạt việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước. Dù vậy, không phải đợi đến COVID, chúng ta mới nhận thức được đổi mới sáng tạo. Từ cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam đã thúc đẩy xu hướng này từ rất sớm. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thích ứng với 4.0.
Trong đó, chúng tôi tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức, hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp chuyển đổi số. Các chương trình của chúng tôi chú trọng vào đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Ngoài ra, kết nối các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy các chương trình chuyển đổi sáng tạo. Trung tâm cũng hợp tác với tập đoàn lớn như Goolge, Amazon để hỗ trợ, thực hiện chương trình tư vấn chuyển đổi số. Dù vậy, chúng tôi nhận thấy một thách thức cần lưu ý. Đó chính là thể chế, chính sách. Đổi mới sáng tạo phải gắn với các ý tưởng đột phát.
Tuy nhiên, điều này sẽ vướng đến luật. Việt Nam hiện thiếu nhiều cơ chế để hỗ trợ chuyển đổi số sáng tạo. Vì vậy, chúng tôi mong muốn sẽ có quy định 1 khung thí điểm để quyết định các vấn đề mới mang tính đột phá, sau đó cụ thể hóa thành luật. Đối với lĩnh vực khởi nghiệp, Việt Nam hiện cũng thiếu các cơ chế ươm mầm startup.
Thực tế, các quỹ đầu tư chỉ hỗ trợ startup ở giai đoạn cuối. Về điều này, chính tôi mong muốn sẽ có thêm các cơ chế để hỗ trợ startup vào những giai đoạn đầu, hay thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, qua đó tạo thêm các startup tỷ đô như các quốc gia khác trong khu vực.