Ông Jerome Powell, người đã đưa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nền kinh tế Mỹ vượt qua cú sốc suy thoái sâu mà đại dịch Covid-19 gây ra, bằng cách triển khai những biện pháp nới lỏng chưa từng có tiền lệ đã được chọn cho cương vị Chủ tịch Fed nhiệm kỳ thứ hai.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra tuyên bố trên vào buổi sáng ngày thứ Hai 22/11 theo giờ Mỹ, sau khi có những đồn đoán rằng bà Lael Brainard, một Thống đốc Fed, sẽ được bổ nhiệm thay cho ông Powell do sức ép từ các thành phần cấp tiến trong Đảng Dân chủ cầm quyền.
Thừa nhận áp lực chính trị đòi bổ nhiệm một nhân vật Dân chủ cấp tiến cho ghế Chủ tịch Fed nhiệm kỳ mới thay vì ông Powell – một người Cộng hoà, ông Biden cho biết ông vẫn quyết định chọn ông Powell vì tình hình hiện nay của nền kinh tế Mỹ “vừa bao gồm tiềm năng to lớn, vừa có những bấp bênh to lớn”, đòi hỏi “sự ổn định và độc lập”.
Không được chọn cho ghế Chủ tịch Fed, bà Brainard được bổ nhiệm vào cương vị Phó Chủ tịch Fed thay cho ông Richard Clarida khi ông Clarida kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/1/2022.
Phố Wall “thở phào” khi Jerome Powell tiếp tục làm Chủ tịch Fed
“Tôi tin tưởng rằng ông Powell và bà Brainard sẽ tập trung vào nhiệm vụ giữ lạm phát ở mức thấp, ổn định giá cả, và tạo ra sự toàn dụng trên thị trường lao động, nhằm đưa nền kinh tế của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, Tổng thống Biden nói trong một tuyên bố.
Các đề cử nhân sự lãnh đạo Fed này của ông Biden chờ được Thượng viện Mỹ thông qua, tuy nhiên, khả năng nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện là gần như chắc chắn.
Ông Biden ca ngợi Fed dưới sự lãnh đạo của ông Powell đã có hành động “quyết đoán” trong những ngày đầu của đại dịch. Fed đã triển khai một loạt chương trình cho vay chưa từng có tiền lệ, cắt giảm lãi suất về gần 0 và tung ra chương trình nới lỏng định lượng (QE) khổng lồ. Theo chương trình này, Fed đã mua vào 120 tỷ USD mỗi tháng trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc, đến nay đã mua tổng cộng hơn 4.000 tỷ USD tài sản.
“Chủ tịch Powell đã thể hiện vai trò lãnh đạo vững vàng trong một giai đoạn thách thức chưa từng có tiền lệ, bao gồm cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất của thời hiện đại và cuộc tấn công nhằm vào sự độc lập của Fed”, một tuyên bố của Nhà Trắng viết.
Trước khi quyết định bổ nhiệm được công bố, thị trường tài chính Mỹ đã lo ngại bà Brainard sẽ thay thế ông Powell. Là một người có lập trường mềm mỏng hơn nhiều so với đương kim Chủ tịch Fed, bà Brainard có thể theo đuổi chính sách nới lỏng trong thời gian lâu hơn, mở đường cho sự leo thang cao hơn của lạm phát – mối lo lớn nhất của Phố Wall hiện nay.
Bởi vậy, việc ông Powell được chọn cho nhiệm kỳ tiếp theo đã giúp Phố Wall có thể “thở phào”.
Thị trường hiện đang dõi theo tốc độ cắt giảm chương trình QE của Fed. Ngân hàng trung ương này đã bắt đầu cắt giảm QE trong tháng 11 này, với tốc độ dự kiến là giảm 15 tỷ USD mỗi tháng. Với tốc độ cắt giảm như vậy, chương trình mua tài sản của Fed sẽ kết thúc vào khoảng giữa năm 2022.
Tăng lãi suất là một vấn đề quan trọng khác. Giới chức Fed cho đến hiện tại vẫn nói rằng họ sẽ không tính chuyện tăng lãi suất ít nhất cho tới khi kết thúc chương trình mua tài sản. Họ cũng nói việc cắt giảm QE không phải là dọn đường cho việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ cao nhất 31 năm, thị trường đang tính đến khả năng Fed đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất, với đợt tăng đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 6/2022.
“Tổng thống Biden đã chọn nguyên trạng cho chính sách tiền tệ và điều tiết thị trường tài chính”, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định. “Fed sẽ chậm và vững trong việc giảm ga chính sách tiền tệ nới lỏng”.
Vấn đề việc làm và lạm phát sẽ ra sao?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, người tiền nhiệm của ông Powell trên cương vị Chủ tịch Fed, hoan nghênh việc ông được bổ nhiệm vào vị trí này thêm một nhiệm kỳ. “Mấy năm qua, Chủ tịch Powell đã mang đến sự lãnh đạo vững chắc tại Fed, theo đó đáp ứng và giải quyết hiện quả các thách thức kinh tế và tài chính. Tôi tin rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ tiếp tục hưởng lợi từ năng lực điều hành của ông ấy”.
Tuy nhiên, ông Powell cũng đối mặt với không ít tranh cãi trong thời gian gần đây.
Đầu tiên phải kể đến việc Fed vướng vào một vụ bê bối trong đó nhiều quan chức Fed bị phát hiện giao dịch cổ phiếu vào thời điểm mà Fed đang thực thi các chính sách nhằm thúc đẩy thị trường. Ông Powell cũng thừa nhận ông nắm giữ một số trái phiếu địa phương mà Fed đang mua vào. Ông cũng mua và bán các chứng chỉ quỹ dựa trên các chỉ số của thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, Fed cũng bị chỉ trích khi lạm phát ở Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1991. Chỉ số CPI tháng 10 của nước này tăng hơn 6%, trong khi mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra là 2%. Ông Powell và các quan chức Fed khác vẫn nói rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời do các yếu tố liên quan đến sự trở lại của nền kinh tế. Tuy nhiên, các số liệu gần đây cho thấy có thể họ đã sai.
Xuất hiện cùng ông Biden vào buổi chiều ngày thứ Hai trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, cả ông Powell và bà Brainard cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát lạm phát.
“Chúng tôi hiểu rằng lạm phát cao đang gây tổn thất cho các gia đình, nhất là những gia đình có khả năng kém hơn trong việc hấp thụ chi phí cao hơn đối với những hàng hoá và dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, nhà ở và đi lại”, ông Powell nói. “Bởi vậy, chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ sẵn có để vừa hỗ trợ nền kinh tế, vừa thúc đẩy thị trường việc làm, và ngăn việc lạm phát cao trở nên dai dẳng”.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đã giảm về 4,6% từ mức đỉnh 14,8% trong đại dịch. Tuy nhiên, một vấn đề khiến Fed “đau đầu” là số người trong độ tuổi lao động nhưng không tìm kiếm việc làm, đồng nghĩa với việc họ không được tính là người thất nghiệp, vẫn còn lớn.
Fed được Quốc hội Mỹ giao cho hai sứ mệnh: tối đa hoá việc làm và giữ lạm phát ổn định. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, dưới sự lãnh đạo của ông Powell, Fed đã ưu tiên vấn đề tạo việc làm hơn là kiềm chế lạm phát.
“Từ khi ông Powell lên cầm quyền, Fed đã nhấn mạnh hơn việc toàn dụng hoá nguồn lao động trong nền kinh tế. Đây là một mục tiêu mà các nhà kinh tế học cấp tiến ủng hộ từ lâu, và cũng phù hợp với chương trình nghị sự kinh tế của ông Biden”, chuyên gia kinh tế trưởng Mike Feroli của JPMorgan nhận định.
https://vnmedia.vn/cafedautu/jerome-powell-duoc-chon-lam-chu-tich-fed-nhiem-ky-thu-hai-van-de-viec-lam-va-lam-phat-se-duoc-giai-quyet-ra-sao-19303/Copy link
Thị trường Mỹ đang hồi hợp chờ đợi xem ai sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của Fed. Việc Tổng thống Joe Biden quyết định đề cử Thống đốc Lael Brainard làm Chủ tịch Fed thay cho ông Jerome Powell có thể mở ra cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường lãi suất và ngoại hối.
Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định sẽ còn quá sớm nếu thực sự thắt chặt chính sách bằng cách tăng lãi suất ngay thời điểm này, vì điều đó sẽ khiến làm chậm tốc độ tăng trưởng việc làm.
Một số thành viên Quốc hội Mỹ đã gửi thư tới Chủ tịch Fed Jerome Powell yêu cầu làm rõ thông tin về quá trình nghiên cứu, ban hành các quy định thống nhất về tiền ảo, đồng thời cho rằng nên ủng hộ cho sự đổi mới.
Các tỷ phú nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã tự rút ít nhất 3,8 tỷ USD tiền túi để cứu công ty thoát khỏi bờ vực vỡ nợ, khi cuộc khủng hoảng thanh khoản đang nhấn chìm ngành địa ốc nước này.
Đầu năm nay, Cơ quan bảo mật Trend Micro phát hiện một lỗ hổng an toàn thông tin nghiêm trọng có mã CVE-2024-21412 trên hệ thống Microsoft Defender SmartScreen.
Trong hành trình khởi đầu của một doanh nghiệp startup, quản lý tài chính đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường kinh doanh không ngừng biến động. Để thành công, việc áp dụng các chiến lược quản lý tài chính hiệu quả là điều không thể phủ nhận.
Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về các hành vi chèo kéo trong bán hợp đồng bảo hiểm; nhân viên tư vấn bảo hiểm chỉ nói những mặt tốt của bảo hiểm…
Gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đặt vấn đề về giải pháp giảm bớt thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá.