Bất cứ điều gì Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói khi ông bước lên bục phát biểu tại cuộc họp chính sách tháng 11 vào thứ Tư tới đây đều có khả năng gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Bất cứ điều gì Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói khi ông bước lên bục phát biểu tại cuộc họp chính sách tháng 11 vào thứ Tư tới đây đều có khả năng gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Jake Jolly, Chiến lược gia đầu tư cấp cao tại BNY Mellon, cho biết, bất cứ điều gì mà ông Powell nói liên quan đến triển vọng tăng lãi suất 50 điểm cơ bản đều có thể sẽ đẩy giá cổ phiếu cũng như trái phiếu lên cao.
Mặt khác, mọi phát biểu khiến nhà đầu tư nghĩ rằng Fed vẫn đang cân nhắc mức tăng 75 điểm cơ bản đều có thể tạo ra tác động trái ngược.
“Quan trọng nhất là ông Powell sẽ gợi ý điều gì về cuộc họp tháng 12. Với tôi, nếu ông ấy kín tiếng và không muốn tiết lộ suy nghĩ của mình thì có thể đó là dấu hiệu cho lập trường diều hâu. Điều này đồng nghĩa rằng quyết định của Fed vẫn sẽ phụ thuộc lớn vào dữ liệu. Tuy nhiên, thị trường không thích việc phải thấp thỏm chờ đợi”, ông Jolly bổ sung.
Powell và các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ tăng lãi suất 0,75% lần thứ tư liên tiếp khi họ kết thúc cuộc họp chính sách diễn ra vào tuần này. Do vậy, thị trường đang chuyển hướng tập trung sang cuộc họp tháng 12.
Xem thêm: Các Ngân hàng Trung ương hàng đầu lo sợ phá vỡ nền kinh tế nếu tăng lãi suất quá nhanh
Ông Derek Tang, nhà kinh tế tại công ty cố vấn Monetary Policy Analytics nói rằng, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Powell vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 12 và tiếp tục kéo lãi suất đi lên trong quý I hoặc quý II năm sau cũng có thể “giáng đòn mạnh vào chứng khoán”.
Khi đó, cảnh bán tháo sẽ quay trở lại trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Thậm chí, ngay cả khi Powell báo hiệu rằng Fed gần như chắc chắn sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 12 thì khoảng thời gian từ nay đến lúc đó vẫn còn rất nhiều sự kiện rủi ro đối với chứng khoán Mỹ.
Cụ thể, trước ngày Fed tiến hành cuộc họp chính sách 13-14/12, thị trường sẽ đón nhận thêm hai báo cáo lạm phát cho tháng 10 và 11.
Ngoài ra, thị trường còn có thể chịu ảnh hưởng từ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11.
Nếu Powell thực sự muốn thuyết phục các nhà đầu tư rằng Fed đang có ý định làm chậm tốc độ tăng lãi suất để cho nền kinh tế và thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh, ông ấy sẽ cần phải tìm cách khác và đồng thời thông báo rằng kéo giảm lạm phát vẫn là trọng tâm ưu tiên của cơ quan này.
Bà Quincy Krosby, Giám đốc Đầu tư tại LPL Financial bình luận: “Chủ tịch Powell cần thuyết phục các nhà đầu tư rằng Fed vẫn kiên quyết kiềm chế lạm phát, và họ có thể làm được điều này với các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn”.
Bên cạnh đó, tờ Wall Street Journal cho biết các nhà hoạch định chính sách quyết tâm tăng lãi suất 75 bps trong tháng 11 nhưng sẽ tranh luận gay gắt hơn về mức tăng trong tháng 12. Nhưng cho đến nay, các thông điệp từ Fed vẫn khiến nhà đầu tư thấy mù mờ. Điều này được phản ánh trong thị trường lãi suất tương lai.
Theo công cụ CME FedWatch Tool, khả năng Fed tăng lãi suất thêm 50 bps và 75 bps trong tháng 12 lần lượt là 44,6% và 49,5%.
Có thể thấy, giới đầu tư chỉ thực sự tin tưởng vào khả năng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất khi Chủ tịch Jerome Powell tự mình xác nhận với thị trường.
Trong năm nay, chứng khoán Mỹ thường bật tăng trong ngày Fed ra thông báo quyết định chính sách. Tuy nhiên, chuyên gia chứng khoán cấp cao Jolly chỉ ra rằng thị trường thường biến động mạnh trong những ngày sau đó.
Hơn nữa, lạm phát tại Mỹ vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong gần 40 năm qua. Tuy nhiên, Fed cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Theo kết quả mới nhất về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân được công bố vào thứ Sáu, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đã giảm tốc trong tháng 9.
Tăng trưởng tiền lương cũng chậm lại trong quý III, từ mức 1,3% trong quý II xuống còn 1,2%. Các chuyên gia cho rằng ông Powell có thể dùng sự giảm tốc của tăng trưởng tiền lương làm lý lẽ ủng hộ việc giảm tốc độ tăng lãi suất.
Xem thêm: Khủng hoảng năng lượng, Pháp lần đầu tiên xuất khẩu khí đốt sang Đức