Theo Giám đốc điều hành Pfizer, Albert Bourla, hiệu quả vắc xin Covid-19 Pfizer/BioNTech giảm dần xuống khoảng 84% trong khoảng 6 tháng sau khi tiêm liều thứ hai.
Theo Giám đốc điều hành Pfizer, Albert Bourla, hiệu quả vắc xin Covid-19 Pfizer/BioNTech giảm dần xuống khoảng 84% trong khoảng 6 tháng sau khi tiêm liều thứ hai.
Tuyên bố này của ông Bourla dựa trên những phát hiện trong một nghiên cứu được Pfizer tài trợ. Kết quả được đưa ra vào thời điểm hãng dược phẩm này mâu thuẫn với giới chức y tế Mỹ về sự cần thiết của một mũi tiêm nhắc lại nhằm tăng cường bảo vệ cho những người đã tiêm đủ hai mũi.
Nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vắc xin là mạnh nhất, ở mức 96,2%, trong khoảng thời gian từ một tuần đến hai tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Nó giảm trung bình 6% sau mỗi hai tháng, theo nghiên cứu, với hơn 44.000 người đăng ký trên khắp nước Mỹ và các quốc gia khác. Bourla cho biết hiệu quả sau 4 - 6 tháng là khoảng 84%.
“Dữ liệu từ Israel cho thấy sự miễn dịch giảm dần và điều đó bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ vốn dĩ là 100% chống lại nguy cơ nhập viện. Giờ đây, sau 6 tháng, sự bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện giảm về ngưỡng khoảng 90%”, vị CEO nói.
“Có một tin tốt là chúng tôi rất, rất tự tin rằng một mũi tiêm thứ ba, tức là mũi tiêm nhắc lại, sẽ nâng phản ứng miễn dịch lên mức đủ để chống lại biến chủng Delta”, ông Bourla nói thêm. Ông nhấn mạnh rằng việc vắc xin giảm hiệu quả theo thời gian không phải là chuyện hiếm và đã có tiền lệ về những vắc xin phải tiêm 3 mũi để phòng những căn bệnh khác.
Cũng theo ông Bourla, đến giữa tháng 8, Pfizer sẽ chính thức trình lên cơ quan chức năng Mỹ dữ liệu về lợi ích của mũi tiêm thứ ba vắc xin Covid-19 của hãng.
Đầu tháng này, khi Pfizer vừa nêu ra kế hoạch trên, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch (CDC) Mỹ đã ra một tuyên bố chung với quan điểm phản đối, nói rằng “những người Mỹ đã tiêm đủ hai mũi vắc xin chưa cần đến một mũi tiêm nhắc lại ở thời điểm này”.
Giám đốc phụ trách vấn đề miễn dịch và vắc xin tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến sỹ Kate O’Brien, ngày 28/7 nói rằng tổ chức này vẫn đang nghiên cứu để xác định liệu tiêm nhắc lại có cần thiết để tăng cường bảo vệ.
“Chúng tôi rất rõ ràng về vấn đề này, là chưa có đủ thông tin để đưa ra một khuyến nghị ở thời điểm hiện tại”, bà O’Brien nói trong một cuộc hỏi đáp mà WHO đăng trên các tài khoản mạng xã hội chính thức của tổ chức. “Một lần nữa, đây là một chủ đề rất nóng. Công tác nghiên cứu vẫn đang diễn ra để có thể đưa ra một khuyến nghị có căn cứ đầy đủ”.
Kết quả của nghiên cứu mới được Pfizer đưa ra chỉ một ngày sau khi CDC Mỹ đưa ra hướng dẫn cập nhật về khẩu trang. Cập nhật của CDC khuyến nghị người dân đã tiêm đủ hai mũi sống tại những khu vực mà Covid-19 đang lây lan nhanh nên đeo khẩu trang trở lại ở những nơi công cộng.
Số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở Mỹ trong những tuần gần đây, mà nguyên nhân được cho là do biến chủng Delta có tốc độ lây nhanh. Giới chức y tế Mỹ nói rằng đại đa số những ca nhập viện và tử vong do Covid-19 ở nước này hiện nay là những người chưa tiêm vắc xin. Tuy nhiên, biến chủng Delta lây mạnh đến nỗi ngay cả những người đã tiêm vắc xin cũng có thể bị lây dễ dàng như người chưa tiêm, ngay cả trong những trường hợp không có triệu chứng, Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết hôm thứ Ba.