“Nối gót” Vietcombank và MB, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HOSE: HDB) là ngân hàng tiếp theo báo cáo kế hoạch tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.
“Nối gót” Vietcombank và MB, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HOSE: HDB) là ngân hàng tiếp theo báo cáo kế hoạch tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.
Ngân hàng HDBank vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là sự tham gia của ngân hàng vào chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
HĐQT HDBank trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt. Theo Ban lãnh đạo, việc này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đồng thời mang lại lợi ích, tạo cơ hội cho HDBank và cổ đông.
Sau khi HDBank tham gia tái cấu trúc, ngân hàng thương mại nói trên được chuyển giao bắt buộc, hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
Cụ thể, khác với đề xuất gần đây của Vietcombank và MB đã trình tại Đại hội cổ đông và không có việc góp vốn vào các ngân hàng yếu kém, HDBank sẽ thực hiện góp vốn điều lệ không quá 9.000 tỷ đồng vào ngân hàng mục tiêu tại thời điểm chuyển giao bắt buộc.
HDBank cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt. Như vậy, ngân hàng đang cho thấy định hướng khá rõ ràng trong việc tham gia vào chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Xem thêm: Âm nặng dòng tiền, SAM Holdings không ngần ngại bảo lãnh cho công ty con tại HDBank
Được biết, Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc.
HDBank được loại trừ ngân hàng chuyển giao khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất. Khoản góp vốn vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của HDBank.
HDBank sẽ tham gia hỗ trợ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc về quản trị, điều hành, hỗ trợ hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro và các biện pháp hỗ trợ khác phù hợp với phương án được phê duyệt. Trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao, HDBank được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án được phê duyệt.
Đối với HDBank, Hội đồng quản trị ngân hàng khẳng định việc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng khác sẽ giúp HDBank có cơ hội bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn. Đặc biệt, việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp HDBank có thể tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới.
Trong hệ thống ngân hàng thương mại, 3 ngân hàng mua lại bắt buộc gồm CBBank, OceanBank, GPBank. Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng thuộc diện tái cơ cấu.
Trước đó, hai ngân hàng lớn gồm Vietcombank và MB cũng đã bắt đầu có những tín hiệu tham gia vào việc tái cơ cấu các ngân hàng bắt buộc mua lại.
Xem thêm: Vietcombank rao bán lô đất của Tập đoàn Yên Khánh, giá khởi điểm hơn 150 tỷ đồng