Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1/1/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với các đối tượng quy định.
Điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng quy định. Cụ thể như sau: Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Nghị định 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2022. Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 1/1/2022.
Người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Thông tư 17/2021/TT-NHNN quy định, tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức phát hành thẻ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng ở thành phố được coi là nghèo
Đây là nội dung của Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế cho Quyết định 59 đã được ban hành từ năm 2015.
Cụ thể, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.
Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo.
Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng - 01 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Người mua nhà được vay với lãi suất chỉ 4,8%
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định số 1956/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.
Cụ thể, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016 là 4,8%/năm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 và thay thế Quyết định số 2196/QĐ-NHNN ngày 24/12/2020 của Thống đốc NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2021 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.
Xử lý nghiêm xe vận tải không lắp camera giám sát hành trình
Theo Nghị quyết 66 năm 2021 của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, nếu ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt.
Đáng lẽ, quy định xử phạt nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2021 theo Nghị định 100 năm 2020, tuy nhiên sau đó Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 66 tạm ngưng việc xử phạt nêu trên hết hết ngày 31/12/2021.
Tức là, từ ngày 1/1/2022, ô tô kinh doanh vận tải gồm: taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng… bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần
Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 vừa được Chính phủ ban hành ngày 01/11/2021 về kinh doanh xăng dầu.
heo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.