Mới đây, các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mạnh tay xử lý hàng loạt cán bộ liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng. Thế nhưng tình trạng xây dựng không phép, trái phép vẫn tiếp tục tái diễn khiến người dân bức xúc.
Mới đây, các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mạnh tay xử lý hàng loạt cán bộ liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng. Thế nhưng tình trạng xây dựng không phép, trái phép vẫn tiếp tục tái diễn khiến người dân bức xúc.
"Điểm nóng" vẫn "nóng"
Ghi nhận của PV Tiền Phong giữa tháng 11/2022 tại xã Minh Trí, Minh Phú - nơi được coi là "điểm nóng" vi phạm trật tự xây dựng, mua bán đất rừng làm khu nghỉ dưỡng của huyện Sóc Sơn cho thấy, một số công trình đang xây dựng ven hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) đã bị cưỡng chế. Cạnh Đồng Đò Coffee, một công trình sát hồ xây dựng đến tầng 3 bị đình chỉ, chờ tháo dỡ. Một số công trình phía bên kia đường cũng đã tháo dỡ, quây tôn tránh lấn chiếm...
Theo anh Bình (người dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí), 100% đất ở đây là đất khai hoang, không có sổ. Người đến đây xây dựng chủ yếu là dân từ Hà Nội và các tỉnh lân cận để làm homestay, khu nghỉ dưỡng. Dù là đất không giấy tờ nhưng mỗi mét vuông quanh hồ Đồng Đò có giá từ 17-20 triệu/m2 tùy vị trí. "Từ đầu năm đến nay, lúc nào cũng có công trình thi công, tuy nhiên vài tháng trở lại đây cơ quan chức năng thường xuyên xuống kiểm tra, lập biên bản nên hạn chế thi công, thi thoảng có thi công xây dựng vào ngày cuối tuần", anh Bình thông tin.
Trong khi đó, tại "điểm nóng" trật tự xây dựng huyện Thạch Thất - nơi có rất nhiều công trình không phép, sai phép nhưng không được kiểm tra, xử lý dứt điểm. Như tại thôn 6, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, gần đây xuất hiện một công trình "khủng" có diện tích lên đến hàng trăm m2 được xây dựng trái phép trên đất nông trường. Công trình đang thi công tới tầng thứ 4 nhưng không bị xử lý dù chỉ cách UBND xã Thạch Hòa trên dưới 1km. Được biết, Thanh tra thành phố Hà Nội đang tiến hành thanh tra hàng loạt công trình xây dựng trên địa bàn xã Thạch Hòa, trong đó có công trình được phản ánh tại thôn 6.
Tại xã Phùng Xá, từ cuối năm 2019, Công ty TNHH Lan Khoa xây dựng công trình rộng gần 2000 m2 tại Khu 8, tỉnh lộ 419 khi chưa được cấp phép xây dựng. Đến nay, công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tại chân cầu Bến Nghệ, xã Kim Quan theo phản ánh của người dân Khu nhà xưởng rộng hơn 2.000m2, được xây dựng kiên cố ngay trên đất nông nghiệp, xả thải gây ô nhiễm môi trường...
Xử lý cán bộ, vi phạm không giảm?
Để xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng, Huyện ủy Sóc Sơn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 15-NQ/HU ngày 29/9/2022; UBND huyện thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn sáu xã có nhiều vi phạm phát sinh, gồm: Minh Trí, Minh Phú, Phù Lỗ, Tiên Dược, Bắc Phú và Đông Xuân.
Đại diện Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Sóc Sơn cho biết, 10 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiến hành kiểm tra hoạt động xây dựng hơn 600 công trình, gồm các dự án đầu tư xây dựng, các công trình có phép, miễn phép trong khu dân cư; phối hợp với UBND các xã, thị trấn kịp thời kiểm tra, phát hiện 159 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, thiết lập hồ sơ xử lý.
Đội đã phối hợp với các phòng ban và UBND các xã, thị trấn tổ chức 32 đợt ra quân cưỡng chế, trong đó đã xử lý xong 353 trường hợp vi phạm, gồm 130/159 trường hợp vi phạm phát sinh trong năm 2022 và 223 trường hợp vi phạm tồn đọng từ trước.
Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, hiện các tổ công tác liên ngành đều có chế độ báo cáo tuần về tình hình xử lý các vi phạm trật tự xây dựng. 9 tháng đầu năm, Ủy ban Kiểm tra các cấp xem xét, thi hành kỷ luật 96 đảng viên. Trong đó có các lãnh đạo xã ở "điểm nóng" vi phạm đất đai như: Cách chức Chủ tịch UBND xã Minh Phú, điều chuyển công tác đối với Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú phụ trách mảng địa chính; Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch UBND xã Minh Trí, khiển trách Bí thư Đảng ủy xã Minh Trí; Điều chuyển công tác Chủ tịch UBND xã Bắc Phú; Xử lý 4 lãnh đạo và cán bộ xã Phù Lỗ...
Đại diện lãnh đạo UBND huyện cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm, báo cáo vi phạm ở một số xã còn chưa chính xác, thiếu trung thực. "Nếu xã không làm, huyện sẽ trực tiếp vào cuộc, kiên quyết xử lý cả các công trình vô chủ theo quy định của pháp luật", vị này thông tin.
Trong khi đó ở huyện Thạch Thất, Sở Xây dựng Hà Nội đã có nhiều văn bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng, chưa đủ điều kiện khởi công đã được Thanh tra Sở chỉ ra. Trong đó nêu rõ, Công ty TNHH Lan Khoa vi phạm TTXD và được xác minh cụ thể tại biên bản làm việc ngày 07/12/2021, đến nay Sở Xây dựng chưa được UBND huyện Thạch Thất báo cáo và xử lý dứt điểm vụ việc. Ngoài ra, còn có các vi phạm của Công ty CP chế tạo máy Hòa Bình và Công ty TNHH Tiến Hồng; Công ty TNHH Phú Hưng...