Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động và có kế hoạch phát triển thêm 14 KCN. Trên cơ sở đó tạo dư địa về mặt bằng, hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư mới…
Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động và có kế hoạch phát triển thêm 14 KCN. Trên cơ sở đó tạo dư địa về mặt bằng, hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư mới…
Theo Ban Quản lý Các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, trên địa bàn Thành phố có 9 KCN đang hoạt động, với tổng diện tích 1.670,6ha. Trong đó, 3 KCN đã thành lập và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 663,4ha, gồm: KCN Quang Minh II, diện tích 160ha; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, diện tích 200,6ha; KCN Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8ha.
3 KCN phù hợp quy hoạch, đang xin chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 586,8ha gồm: KCN Đông Anh, diện tích 300ha; KCN Bắc Thường Tín, diện tích 112ha; KCN Phụng Hiệp, diện tích 174,8ha…
Trong năm 2022, công tác thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp và Chế xuất Thành phố đạt 359,5 triệu USD quy đổi, tăng 20% so với năm 2021. Trong đó đã thu hút được 10 dự án mới vốn đăng ký 8,5 triệu USD và 611 tỷ đồng, 18 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 307,7 triệu USD và 385 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 706 dự án đang hoạt động, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,4 tỷ USD và 404 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 18.600 tỷ đồng.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, doanh thu năm 2022 của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 300 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021...
Kết quả hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh trong các KCN Hà Nội đã góp phần quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, liên tục tăng ngân sách năm sau cao hơn năm trước; thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 16,6 vạn lao động với thu nhập ổn định.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, hiện nay, đối với các Khu công nghiệp và Chế xuất đã được lấp đầy, Thành phố đề nghị Ban quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Thành phố phối hợp với các nhà đầu tư tiến hành rà soát, đảm bảo đồng bộ các hạ tầng về cảnh quan, môi trường để vào các KCN của Thành phố phải như khu đô thị, sáng, xanh, sạch, đẹp, hiện đại và văn minh.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thành phố có kế hoạch phát triển thêm 14 KCN, trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2025 phát triển từ 5-7 KCN, trên cơ sở đó tạo dư địa về mặt bằng, hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư mới cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp hiện tại mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Thành phố tập trung rà soát toàn bộ các quy trình thủ tục hành chính để hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài, với tinh thần thực hiện cấp phép đầu tư nhanh nhất, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính cho BQL KCN&CX Thành phố, đồng thời trong thời gian tới tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ để BQL KCN&CX Thành phố thực sự là đầu mối duy nhất để giải quyết toàn bộ thủ tục hành chính của các nhà đầu tư.
“Thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh tại Hà Nội, từ quá trình xúc tiến đầu tư, giải quyết TTHC, tạo điều kiện về mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực…”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.