Sở Y tế Hà Nội ngày 2/8 công bố 98 ca dương tính Covid-19. Đáng chú ý, chùm ca bệnh mới phát sinh tại Công ty thực phẩm Thanh Nga có địa chỉ tại 82/651 Minh Khai, Phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng gây nhiều lo ngại.
Sở Y tế Hà Nội ngày 2/8 công bố 98 ca dương tính Covid-19. Đáng chú ý, chùm ca bệnh mới phát sinh tại Công ty thực phẩm Thanh Nga có địa chỉ tại 82/651 Minh Khai, Phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng gây nhiều lo ngại.
Theo công bố của Sở Y tế Hà Nội, chùm lây nhiễm mới phát hiện tại Công ty thực phẩm Thanh Nga, với 20 trường hợp dương tính liên quan sinh viên thực tập tại Công ty, phát hiện ngày 31/7 tại Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội). Ngày 28/7, ca F0 này xuất hiện triệu chứng ho, sốt. Ngày 30/7, đến Bệnh viện Xanh Pôn khám bệnh, được xét nghiệm sàng lọc dương tính và chuyển mẫu lên CDC Hà Nội làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19.
Từ ca bệnh “chỉ điểm” này, Hà Nội phát hiện các trường hợp dương tính khác tại Công ty thực phẩm Thanh Nga. Theo danh sách công bố của Sở Y tế Hà Nội, các trường hợp dương tính tại Công ty Thanh Nga rải rác tại nhiều quận, huyện, gây lo ngại cho cộng đồng. Không chỉ vậy, đơn vị này còn là nhà cung cấp thực phẩm cho VinCommerce (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Vinmart, VinMart+).
Khoảng 300 hộ dân với 1.000 nhân khẩu ở ngõ 651 Minh Khai cũng bị phong tỏa tạm thời, toàn bộ nhà của các hộ dân trên được phun khử khuẩn. Nhân viên 5 công ty cùng địa chỉ ngõ 651 Minh Khai được lập danh sách, thông báo tự cách ly tại nhà và khai báo với y tế địa phương.
Một vấn đề nữa với Hà Nội, liên tục trong các ngày qua, các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố phải đóng cửa, phong toả, tạm thời cách ly, rà soát vì liên quan các ca mắc Covid-19. Từ chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm), một phần chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ Đồng Xa (Cầu Giấy)…
Điều này dấy lên lo ngại, việc các chợ dân sinh bị đóng cửa có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội. Lo ngại hơn nữa, việc người dân đi chợ, dù đã theo ngày chẵn, lẻ, hoàn toàn có thể có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19.
Dẫn lời Tiền Phong, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, vấn đề lo ngại hiện nay là số lượng ca cộng đồng nhiều nhưng lại chưa phát hiện ngay được.
“F0 trong cộng đồng nhiều nhưng ở các ổ dịch chậm được phát hiện nên thời gian lây nhiễm lâu, tăng theo cấp số nhân do tiếp xúc rất nhiều giữa các F0, F1. Ngay như tại Công ty thực phẩm Thanh Nga đã có ít nhất 3 chu kỳ lây nhiễm, nhưng tới 31/7 mới được phát hiện sau khi 1 nhân viên tại đây đi khám được xác định dương tính Covid-19”, ông Tuấn nói.
Để kịp thời phát hiện, phân loại và điều trị các trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, TP. Hà Nội kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện khai báo y tế, nhất là đối với người có biểu hiện ho, sốt.
Hiện nay, TP. Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, phân loại danh sách những người khai báo có biểu hiện ho, sốt trên ứng dụng Bluezone và tokhaiyte.vn. Người có biểu hiện ho, sốt khai báo qua các hệ thống này sẽ được gửi danh sách đến các cơ quan y tế Thành phố để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Tính đến hết ngày 31/7/2021, TP. Hà Nội có 2.326.921 trường hợp khai báo y tế trên hệ thống phần mềm, số tờ khai mỗi ngày khoảng trên 70.000 trường hợp. Riêng trong ngày 31/7, có 1.008 trường hợp khai báo có biểu hiện ho sốt khó thở, trong đó 666 trường hợp khai báo trên Bluezone, 342 trường hợp khai qua tokhaiyte, các trường hợp này đã được chuyển danh sách sang Y tế để khám xét nghiệm sàng lọc Covid-19 (ghi chú: Số liệu trên là người dân tự khai báo lên hệ thống, không phải số liệu khai báo ho sốt do Covid 19).
TP. Hà Nội kêu gọi người dân tiếp tục khai báo y tế hằng ngày, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây nhiễm để tận dụng hiệu quả “thời gian vàng”, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Tính từ 18h30 ngày 02/8 đến 6h ngày 03/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.578 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 3.563 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (1.998), Bình Dương (519), Long An (246);
Tây Ninh (176), Đồng Nai (147), Vĩnh Long (72), Bình Thuận (72), Đà Nẵng (66), Bến Tre (62), Sóc Trăng (33), Cần Thơ (31), Đồng Tháp (31), An Giang (26), Phú Yên (20), Bình Định (18), Đắk Lắk (11), Đắk Nông (8 ), Nghệ An (5), Hà Tĩnh (4), Kiên Giang (3), Bạc Liêu (3), Phú Thọ (3), Sơn La (3), Hải Dương (2), Điện Biên (1), Quảng Trị (1), Thanh Hóa (1), Hà Nội (1) trong đó có 687 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng ngày 03/8, Việt Nam có 165.339 ca nhiễm trong đó có 2.287 ca nhập cảnh và 163.052 ca mắc trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 161.482 ca, trong đó có 44.191 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Bình.
Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Điện Biên.