Giám đốc Gojek tại Việt Nam, ông Phùng Tuấn Đức cho biết người dùng Gojek tại Việt Nam sẽ có thể gọi taxi và thanh toán online trong thời gian “rất, rất sớm”.
Giám đốc Gojek tại Việt Nam, ông Phùng Tuấn Đức cho biết người dùng Gojek tại Việt Nam sẽ có thể gọi taxi và thanh toán online trong thời gian “rất, rất sớm”.
Trong một cuộc trao đổi với Nikkei, Giám đốc Gojek tại Việt Nam, ông Phùng Tuấn Đức cho biết người dùng Gojek tại Việt Nam sẽ có thể gọi taxi và thanh toán online trong thời gian “rất, rất sớm”. Hiện tại, người dùng Gojek tại Việt Nam mới chỉ có thể gọi xe ôm, đặt đồ ăn và ship hàng.
“Thay vì theo đuổi công nghệ toả sáng tiếp theo, chúng tôi tập trung vào những gì mà thị trường cần nhất. Chúng tôi tự tin để bắt đầu mở rộng, giao thông bốn bánh và thanh toán là hai dịch vụ được yêu cầu nhiều nhất từ khách hàng của chúng tôi”, ông Đức cho hay.
Gọi taxi là lĩnh vực mà Grab và Be Group đã có chỗ đứng ở Việt Nam. Grab, Be và Gojek đều xuất phát từ dịch vụ gọi xe nhưng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, như giao hàng và thanh toán hoá đơn.
Hồi tháng 4, Grab tuyên bố sẽ niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập với một công ty SPAC trong một thương vụ định giá gần 40 tỷ USD. Đây sẽ là vụ chào sàn bằng SPAC lớn nhất từ trước đến nay. Kế hoạch của Grab gia tăng sức ép lên Gojek, khiến công ty này theo đuổi kế hoạch sáp nhập với một startup khác của Indonesia là nhà bán lẻ trực tuyến Tokopedia.
Vụ sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia đã nhận được sự nhất trí của cổ đông và dự kiến sẽ hoàn tất muộn nhất vào cuối tháng 6. Tiếp đó, công ty sáp nhập có thể sẽ niêm yết cổ phiếu ở Mỹ. Trước đây, Gojek và Grab đã bàn chuyện sáp nhập, mà nguyên nhân được cho là việc Grab muốn “cầm trịch” sau khi hai bên về chung một nhà.
Ngoài các ứng dụng trên, ở Việt Nam, thị trường 100 triệu dân còn có các ứng dụng gọi xe khác đang hoạt động như FastGo, Aber và inDriver.
CEO Nguyễn Hoàng Phương của Be nói rằng ứng dụng này sẽ không tham gia một “cuộc chiến về giá” với đối thủ mà sẽ tập trung vào chất lượng và quan hệ đối tác với doanh nghiệp. Cũng theo bà Phương, Be hoà vốn trong năm 2020 và đặt mục tiêu có lãi trong 2021. Cho đến nay, làm ăn có lãi vẫn là một thành tựu khó đạt đối với các ứng dụng gọi xe.
“Be Group sẽ đầu tư khôn ngoan, thay vì tiêu tiền không cần thiết như các đối thủ”, bà Phương nói với Nikkei.
Khi được hỏi liệu Gojek có trở thành một siêu ứng dụng ở Việt Nam, tương tự như ở thị trường quê nhà Indonesia, ông Đức nói đó chính là kế hoạch của công ty: “Việt Nam chắc chắn được ưu tiên cao nhất trong số các thị trường nước ngoài mà Gojek có hoạt động. Đây là một thị trường tăng trưởng cực nhanh”.
Theo báo cáo e-Conomy Đông Nam Á, thị trường ship hàng và đồ ăn ở Việt Nam đạt trị giá 1,6 tỷ USD trong năm 2020 và được dự báo tăng trưởng 34% mỗi năm đến hết 2025.
Còn theo dữ liệu của Google, hoạt động đi lại hàng ngày ở Việt Nam đã quay trở lại mức trước đại dịch, sớm hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.