Mùa báo cáo tài chính quý II sắp tới có thể khiến giá trị cổ phiếu trên thị trường toàn cầu giảm mạnh hơn nữa do dự đoán về lợi nhuận các doanh nghiệp có vẻ quá lạc quan so với tình thế hiện tại.
Mùa báo cáo tài chính quý II sắp tới có thể khiến giá trị cổ phiếu trên thị trường toàn cầu giảm mạnh hơn nữa do dự đoán về lợi nhuận các doanh nghiệp có vẻ quá lạc quan so với tình thế hiện tại.
Sau khi “bốc hơi” hơn 20 nghìn tỷ USD giá trị kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 1 năm nay, chứng khoán thế giới đang mắc kẹt trong thị trường giá xuống khi các Ngân hàng Trung ương phải “vật lộn” nhằm kiềm chế lạm phát đang gia tăng nóng mà không làm trật “bánh xe” tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, định giá thị trường đã giảm xuống mức trung bình trong lịch sử, điều này có thể là “cám dỗ” đối với những nhà đầu tư mong muốn bắt đáy.
Tuy nhiên, những cảnh báo gần đây về lợi nhuận doanh nghiệp từ các nhà bán lẻ Target, WalMart và những công ty đạt kết quả kinh doanh tích cực trong thời gian dịch như Zalando và B&M đã khiến giới đầu tư lo lắng về sự sụt giảm trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp khi giá năng lượng và chi phí đầu vào đồng loạt tăng mạnh.
Emmanuel Cau, một chiến lược gia tại Barclays, cho biết, báo cáo tài chính được xem như là “động lực cho thị trường”.
Theo Bank of America, thị trường chứng khoán có thể phải xoay sở để tìm đáy cho đến khi dự báo lợi nhuận được thiết lập ở mức thấp hơn.
Francesco Cudrano - Cố vấn của Simplify Partners, cho biết: "Có rất ít lần điều chỉnh làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và hiện thị trường vẫn còn quá lạc quan. Đó là lý do tại sao chúng tôi mong đợi một đợt điều chỉnh khác khi báo cáo tài chính được công bố và với sự biến động này, nhà đầu tư thực sự có nguy cơ bị “đánh bại””.
Ông chia sẻ thêm, công ty của ông đã cắt giảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu và tăng lượng tiền mặt nắm giữ với dự đoán thị trường sẽ giảm 15-20%.
Eric Johnston, người đứng đầu bộ phận đầu tư cổ phiếu của Cantor Fitzgerald, nhận định: "Các thông báo tiêu cực có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Doanh thu và lợi nhuận đều có nguy cơ gặp rủi ro”.
"Chúng tôi không thấy một kịch bản mà Fed có thể ngừng nâng lãi suất trong ít nhất bốn tháng ngay cả khi tăng trưởng suy yếu và chứng khoán giảm mạnh", ông nói thêm khi đề cập đến mức lãi suất hiện tại mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đặt ra.
Xem thêm: Đáy thị trường chứng khoán có thể được dự đoán bởi Bitcoin?
Theo Absolute Strategy Research, xác suất lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu tăng trưởng trong năm nay so với cùng kỳ đã giảm đến 37%, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2015.
Cuộc khảo sát tương tự cho thấy, xác suất việc kiếm lời từ đầu tư cổ phiếu vượt trội hơn so với trái phiếu trong 12 tháng tới đạt mức thấp kỷ lục, 53%.
Ngoài ra, các nhà kinh tế đã nâng cao tỷ lệ suy thoái ở Mỹ và châu Âu với lý do áp lực từ động thái tăng lãi suất cũng như cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Thế nhưng, dự báo về lợi nhuận của các công ty tiếp tục tăng trong năm nay kể từ tháng 1.
Theo Refinitiv, lợi nhuận doanh nghiệp ở châu Âu sẽ tăng 15,2% vào năm 2022 và 4,1% trong năm tới trong khi ở Mỹ, con số này sẽ tăng lần lượt là 10,8% và 9,1%.
Barclays - công ty chuyên điều hành dịch vụ tài chính của Anh cho thấy, chỉ số STOXX 600 của châu Âu sẽ giảm 8% xuống còn 380 điểm. Ngân hàng US Bank Wealth Management đã điều chỉnh dự báo đối với S&P 500 sẽ giảm 16% xuống 4.050 điểm trong cuối năm nay.
Chỉ số MSCI AC World đang giao dịch ở mức P/E dự phóng là 14,3 lần, thấp hơn khoảng 11% so với mức trung bình 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, điều đó không phản ánh bất kỳ điều chỉnh giảm tăng trưởng lợi nhuận nào có thể xảy ra trong những tháng tới.
Michele Morganti, Chiến lược gia cấp cao của Generali Investments, cho biết: “Lợi nhuận doanh nghiệp thực tế giảm mạnh, hoạt động kinh doanh toàn cầu xấu đi, xung đột kéo dài và bất ổn địa chính trị là tất cả những lý do đáng để giới đầu tư lo ngại”.
Xem thêm: Những rủi ro trên thị trường tài chính của việc Fed tăng lãi suất