Theo thống kê, số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường vẫn tăng gấp đôi, dù thị trường giảm mạnh cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Theo thống kê, số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường vẫn tăng gấp đôi, dù thị trường giảm mạnh cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam Việt Nam nói riêng phải đối mặt nhiều thách thức, khó khăn, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã nỗ lực, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhờ đó, TTCK Việt Nam 6 tháng đầu năm vẫn diễn biến tích cực trên nhiều khía cạnh và được đánh giá là sẽ sớm bước qua giai đoạn biến động để ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, đảm bảo hoạt động thị trường công khai, minh bạch, giữ vững kỷ cương, kỷ luật thị trường. Trong đó, tổ chức đánh giá lại thực thi Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán để nghiên cứu, xem xét, bổ sung, sửa đổi phù hợp với sự phát triển mới của thị trường; tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030.
Đặc biệt, trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp, hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đã được UBCKNN thực hiện kịp thời, quyết liệt.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBCKNN đã triển khai 10 đoàn thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất. Đồng thời, tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng trong việc xử lý hình sự những vụ việc liên quan đến thao túng giá cổ phiếu. Bộ đã chuyển cơ quan điều tra 34 vụ và tiến hành xử phạt hành chính 568 vụ, với số tiền hơn 29 tỷ đồng.
Quy mô niêm yết vẫn tiếp tục tăng trưởng
Cũng theo Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán từ đầu năm có xu hướng giảm, chịu ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu, áp lực lạm phát gia tăng, căng thẳng xung đột Nga – Ukraine;… Tuy nhiên, TTCK vẫn giữ được thanh khoản ở mức tốt; số lượng tài khoản mở mới kỷ lục cùng việc các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu cho thấy thị trường chứng khoán vẫn nhận được những sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đóng cửa thị trường ngày 30/6/2022, chỉ số VN-Index đạt mức 1.197,6 điểm, giảm 20,1% và chỉ số HNX-Index đạt mức 277,68 điểm, giảm 41,4% so với cuối năm 2021. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân của thị trường cổ phiếu đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,6% so với bình quân năm 2021.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu giảm nhưng quy mô niêm yết vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tính đến ngày 30/6, quy mô vốn hóa thị trường đạt 6.250 nghìn tỷ đồng, giảm 19,5% so với cuối năm 2021, tương đương 74,4% GDP. Tính đến cuối tháng 5/2022, quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 1.830 nghìn tỷ đồng, tăng 5,22% với cuối năm 2021 với 767 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên 2 Sở GDCK và 863 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Trên TTCK phái sinh, sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 ngày càng thu hút nhà đầu tư tham gia nhằm phòng vệ rủi ro trong những giai đoạn thị trường cổ phiếu có biến động mạnh. Tính chung từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 211.463 hợp đồng/phiên, tăng 12% so với bình quân năm trước.
Thị trường trái phiếu duy trì ổn định. Tính đến cuối tháng 5/2022, thị trường có 427 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.629 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2021 (tương đương 19,4% GDP).
Số lượng nhà đầu tư mới tăng gấp đôi
Bộ Tài chính cho biết, số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường vẫn tăng gấp đôi dù thị trường giảm mạnh cho thấy sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam.
Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gần 1,4 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 5,695 triệu tài khoản, tăng 32% so với cuối năm 2021 (trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt 5,64 triệu tài khoản, tăng 32,4% so với cuối năm 2021 và số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đạt 41.118 tài khoản, tăng 4% so với cuối năm 2021).
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước tương đương hơn 5,7% dân số, vượt trước 3 năm so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.397 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, đặc biệt trong giai đoạn TTCK Việt Nam điều chỉnh giảm sâu (quý II/2022), nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng với giá trị 10.417 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.
Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước phát triển rất nhanh, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội.
Tuy nhiên, là thị trường tài chính bậc cao, dễ chịu ảnh hưởng, tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô dẫn tới biến động thường xuyên, TTCK Việt Nam phát triển nhanh, vượt qua mọi dự đoán cũng như các mục tiêu đặt ra, dẫn đến nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ. Để TTCK phát triển theo hướng ổn định, bền vững, an toàn, minh bạch, Bộ Tài chính xác định trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về chứng khoán đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các công ty đại chúng để hạn chế những vi phạm, rủi ro và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.