Kể từ 15h chiều nay (11/10), theo điều chỉnh giá từ Liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng tăng từ 930 - 970 đồng và dầu tăng từ 510 - 980 đồng.
Kể từ 15h chiều nay (11/10), theo điều chỉnh giá từ Liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng tăng từ 930 - 970 đồng và dầu tăng từ 510 - 980 đồng.
Theo điều chỉnh giá từ Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 11/10 lên mức 21.680 đồng một lít (tăng 970 đồng); RON 95 là 22.870 đồng một lít (tăng 930 đồng).
Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Dầu hoả là 16.620 đồng một lít, tăng 980 đồng. Dầu diesel là 17.540 đồng một lít, đắt hơn 960 đồng. Dầu madut là 17.090 đồng một kg, tăng 510 đồng.
Cơ quan điều hành tiếp tục không trích quỹ bình ổn cho tất cả mặt hàng, nhưng chi quỹ 950 đồng với xăng E5 RON 92 (tăng 100 đồng mỗi lít so với kỳ trước) và 150 đồng với dầu diesel, 100 đồng cho dầu hoả.
Như vậy, với lần tăng giá thứ ba từ giữa tháng 8 này, mỗi lít xăng RON 95 đã sát ngưỡng 23.000 đồng một lít. Sau 3 lần tăng giá, xăng RON 95 đắt thêm 1.740 đồng mỗi lít, còn xăng E5 RON 92 là 1.790 đồng một lít.
Thời gian qua, việc giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến giá xăng dầu trong nước. Giá dầu WTI của Mỹ có thời điểm đạt ngưỡng 79,35 USD/thùng, cao nhất 7 năm; trong khi dầu Brent chạm 82,39 USD/thùng, cao nhất 3 năm.
Sở dĩ giá mặt hàng nhiên liệu tăng nóng chủ yếu do OPEC+ quyết định không đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng bất chấp nhu cầu dầu mỏ thế giới ngày càng lớn. Các nước nới lỏng lệnh cấm đi lại và chuẩn bị nguồn cung cho mùa lạnh khiến giá “vàng đen” leo thang.
Trước tình trạng trên, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng 30%, thấp hơn so với đà tăng trên thế giới. Tuy nhiên, trong công thức tính giá cơ sở, các loại thuế phí đang chiếm tỷ trọng cao trong việc cấu thành giá xăng. Do vậy, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm rà soát, giảm các loại thuế đối với mặt hàng này.