Cước vận tải biển tăng kỷ lục, lên mức gần 20.000 USD/container, tiếp tục gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cước vận tải biển tăng kỷ lục, lên mức gần 20.000 USD/container, tiếp tục gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Mặc dù có sự tăng trưởng tích cực trong hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên một vấn đề đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn hiện nay đó là tình trạng giá cước vận tải biển liên tục tăng phi mã và thiếu container rỗng.
Mới đây, trước thông tin giá cước vận tải biển bao gồm cả phụ phí đang tăng kỷ lục lên đến 20.000 USD/container 40 feet, Phó Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam - ông Hoàng Hồng Giang cho biết, dù giá cước đang có xu hướng tăng cao nhưng đến mức 20.000 USD/container như phản ánh là không chính xác.
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, theo thông tin cập nhật từ các hãng tàu, giá cước đã bao gồm phụ phí đối với mỗi container 40 feet cao nhất ở mức 14.250 USD, thấp nhất là 8.000 USD.
Cụ thể giá cước từ cảng Cái Mép đi Mỹ là 11.750 USD đối với container 20 feet (chưa bao gồm phụ phí); đối với container 40 feet là 14.500 USD (chưa tính phụ phí). Nếu tính cả phụ phí thì tổng giá cước có thể lên đến 17.000 đến 20.000 USD Mỹ/container 40 feet. Như vậy, đến thời điểm này, đã có ít nhất 4 lần điều chỉnh tăng với mức giá hiện đã cao gấp 14 lần so với đầu năm 2020.
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận tải biển quốc tế hiện đang tuân theo cơ chế thị trường. Vì không có quy định các hãng tàu phải kê khai giá nên việc yêu cầu niêm yết 15 ngày trước khi áp dụng cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc quản lý và các cơ quan chức năng cũng chưa có chế tài để can thiệp vào giá dịch vụ này.
Trước tình trạng giá cước vận tải biển tăng cao, một số doanh nghiệp thuỷ sản tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã thay đổi cách thức mua bán với đối tác. Thay vì bán giá CIF (giao hàng tại cảng nước nhập khẩu) thì doanh nghiệp ký kết hợp đồng bán giá FOB (giao hàng tại cảng Việt Nam). Với cách thức mua bán này, cước vận chuyển sẽ do đối tác nhập khẩu lo hoàn toàn và cước phí cũng được trừ vào giá bản sản phẩm.
Tại Việt Nam hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi châu Âu, Bắc Mỹ do 40 hãng tàu nước ngoài thực hiện (chiếm 95% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu). Các hãng tàu trong nước hiện tại chưa đủ năng lực khai thác nên đứng ngoài cuộc chơi vận tải biển quốc tế.