Sau khi rút khỏi trái phiếu của các công ty bất động sản đang ngập trong nợ nần của Trung Quốc, nhà đầu tư đã chuyển dòng vốn sang thị trường tín dụng châu Á và Ấn Độ là một trong các điểm đến tiềm năng nhất.
Sau khi rút khỏi trái phiếu của các công ty bất động sản đang ngập trong nợ nần của Trung Quốc, nhà đầu tư đã chuyển dòng vốn sang thị trường tín dụng châu Á và Ấn Độ là một trong các điểm đến tiềm năng nhất.
Trong vài tháng gần đây, Goldman Sachs đã đưa ra đánh giá khá tích cực đối với các trái phiếu lợi suất cao ở châu Á (không bao gồm trái phiếu của thị trường Trung Quốc).
Ở diễn biến khác, Bank of New York Mellon cho biết trong 3 tháng tính đến ngày 18/1, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Malaysia và Nhật Bản đều ghi nhận dòng vốn chảy vào trái phiếu doanh nghiệp, trong khi dòng tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Lạm phát tăng cao, thậm chí lập đỉnh ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, đồng nghĩa rằng thị trường trái phiếu châu Á nói chung vẫn mất điểm tương tự như nhiều khu vực khác, nhưng biến động lại nhẹ nhàng hơn nhiều.
Trái phiếu đồng USD thuộc tất cả bậc xếp hạng do doanh nghiệp Trung Quốc phát hành đã giảm khoảng 3,7% trong năm 2022, ngay cả khi trái phiếu của nhiều nhà phát triển bất động sản đã tăng trở lại trong vài ngày gần đây nhờ chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh.
Xem thêm: Từng được coi là ‘mỏ vàng’, Big Tech Trung Quốc đã mất đi sức hút đối với giới trẻ
Cùng giai đoạn, trái phiếu đồng USD của các doanh nghiệp Ấn Độ, Hàn Quốc và Philippines chỉ mất lần lượt là 1,5%, 0,8% và 0,7%, theo số liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp.
"Để giảm bớt mức độ tiếp xúc với ngành bất động sản của Trung Quốc, các nhà đầu tư đang rót tiền vào các trái phiếu an toàn và lợi suất cao tại Ấn Độ cũng như một số khu vực khác của châu Á", Wai Mei Leong, quản lý danh mục tại Eastspring Investments, cho hay.
Đơn cử, gần đây BDO Capital & Investment - một công ty quản lý đầu tư trụ sở tại Philippines, đã giảm bớt trái phiếu Trung Quốc trong danh mục. Thông tin này được Giám đốc Eduardo Francisco cho hay hồi tuần trước.
Chuyên gia Neeraj Seth của BlackRock cho biết ông nghĩ 2022 là "một năm tiềm năng cho thị trường trái phiếu châu Á".
Cả Goldman Sachs lẫn CreditSights đều coi các công ty Ấn Độ là điểm đến tiềm năng thay cho Trung Quốc. Đại gia ngân hàng Mỹ khuyến nghị nhà đầu tư nên rót tiền vào các trái phiếu của doanh nghiệp năng lượng tái tạo, trong khi CreditSights coi trái phiếu của các công ty tài chính là lá chắn tốt để tránh khỏi những rắc rối tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Xem thêm: ‘Zero-Covid’ tại Trung Quốc thời Omicron gây thách thức lớn hơn cho chuỗi cung ứng
Bất chấp tiềm năng là vậy, thị trường tín dụng châu Á nói chung vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro. Do nhu cầu đa dạng hóa danh mục của nhà đầu tư tăng lên, CreditSights cho biết định giá trái phiếu châu Á (không tính Trung Quốc) đang bị siết chặt hơn.
Điều đó có nghĩa là nhiều tên tuổi ở Nam và Đông Nam Á chỉ đủ xếp hạng để giao dịch trên thị trường, mặc dù các động lực cơ bản vẫn ổn định, CreditSights nhấn mạnh.
Ngoài ra, trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc Trung Quốc đã sa sút đáng kể trong năm ngoái cũng như một vài tuần đầu năm nay.
Tuy nhiên, gần đây thị trường đã khởi sắc sau khi Bắc Kinh nới lỏng hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản trong nước cũng ngân hàng trung ương tung các biện pháp kích thích tiền tệ để củng cố tăng trưởng.
Song, triển vọng của các công ty bất động sản Trung Quốc vẫn còn khá mờ mịt. Goldman Sachs dự đoán trong thời gian tới sẽ có thêm một số doanh nghiệp tiếp tục vỡ nợ trái phiếu nước ngoài.
Nếu thất bại của lĩnh vực địa ốc Trung Quốc không vượt tầm kiểm soát, thị trường trái phiếu châu Á sẽ tiếp tục hút dòng vốn. Tuy nhiên, nếu khủng hoảng kéo dài lâu hơn, nguy cơ suy thoái kinh tế từ Trung Quốc có lan rộng đến thị trường tài chính châu Á, do trái phiếu Trung Quốc chiếm một tỷ trọng khá lớn trong các chỉ số khu vực.
Xme thêm: Khủng hoảng giá bất động sản Trung Quốc dần được kiểm soát