Thủ tướng yêu cầu trình Chính phủ xem xét thông qua Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chậm nhất ngày 10/3/2022, bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 trước ngày 20/3/2022.
Thủ tướng yêu cầu trình Chính phủ xem xét thông qua Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chậm nhất ngày 10/3/2022, bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 trước ngày 20/3/2022.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 23/TB-VPCP ngày 25/01/2022 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, Thủ tướng thống nhất với đánh giá của các Bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án).
Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, các Bộ và cơ quan liên quan rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, thời gian tới cần tập trung cao độ hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất ngày 10/3/2022, bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 trước ngày 20/3/2022.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, UBND Thành phố Hà Nội, ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng cơ bản thống nhất về hình thức đầu tư, các cơ chế chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi của Dự án.
Cụ thể:
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo hình thức đầu tư hỗn hợp được chia tách thành 03 dự án thành phần, trong đó Dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và Dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn Trung ương và vốn địa phương); Dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư;
Một số cơ chế đặc thù tương tự như đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2021 và Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; không kiến nghị cơ chế chuyển đổi hình thức đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hà Nội thành lập ngay Tổ công tác Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là rà soát, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể bảo đảm tiến độ báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.
Nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.
Cũng như các tuyến đường Vành đai 3, 4 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố Hà Nội và các địa phương trong khu vực.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thành viên Chính phủ phụ trách về lĩnh vực đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình trình Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh sau khi được Chính phủ thông qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.