Theo một đối tác của công ty tư vấn Kearney, có một “rủi ro lớn” về việc các công ty bất động sản nộp đơn xin vỡ nợ khi lãi suất tăng.
Theo một đối tác của công ty tư vấn Kearney, có một “rủi ro lớn” về việc các công ty bất động sản nộp đơn xin vỡ nợ khi lãi suất tăng.
Năm 2021, hãng tư vấn Kearney đã thực hiện một báo cáo, phân tích tình hình tài chính của 67.000 công ty niêm yết từ 154 ngành nghề và 152 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số liệu được sử dụng là của năm 2020.
Kết quả cho thấy, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp "thây ma" cao nhất cũng như chiếm tỷ lệ cao nhất. "Bất động sản cho đến nay là ngành có nhiều công ty 'thây ma' nhất", báo cáo nhấn mạnh.
Theo định nghĩa của OECD, doanh nghiệp "thây ma" là các công ty ít nhất 10 năm tuổi và liên tục gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ nần.
Khoảng 5% doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng bị xếp vào nhóm "thây ma" nhưng tỷ lệ này ở bất động sản đạt tới 7,4%.
Nils Kuhlwein, đối tác của hãng tư vấn Kearney cho biết tỷ lệ các tập đoàn và công ty địa ốc "thây ma" thậm chí còn cao hơn: "Trong năm 2021, chúng tôi tin những con số này sẽ tiếp tục tăng lên".
"Rõ ràng, đại dịch Covid-19 và kết quả kinh tế có phần bi quan sẽ còn ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản", Kuhlwein nhấn mạnh. Ông nói bản thân không tin rằng những ngày tồi tệ nhất đối với ngành bất động sản đã qua.
Ngoài ra, lĩnh vực ô tô cũng có khả năng chứng kiến sự gia tăng về số lượng công ty "thây ma" trong năm 2021, do cuộc khủng hoảng chất bán dẫn và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang gây trở ngại đáng kể cho ngành này.
Tính chung, Kearney nhận thấy số lượng doanh nghiệp "thây ma" đã tăng gần 3 lần từ khoảng 600 vào năm 2010 lên gần 1.800 vào năm 2020.
Nils Kuhlwein cho biết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bắt đầu bằng một bong bóng bất động sản và sau đó là các vụ vỡ nợ vay thế chấp tại Mỹ.
Chia sẻ với CNBC, Kuhlwein nói: "13 năm sau, những gì chúng ta đang nhìn thấy một lần nữa, chính là lĩnh vực bất động sản có tỷ trọng doanh nghiệp 'thây ma' cao nhất".
Báo cáo của Kearny cho thấy, những thay đổi nhỏ bên ngoài như lãi suất tăng hoặc môi trường kinh tế xấu đi đều có thể khiến các công ty này đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán (insolvency) hoặc dẫn đến "sự sụp đổ đột ngột".
Phố Wall tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay, dần đưa chính sách tiền tệ lỏng lẻo ở Mỹ đến hồi kết.
Khi được hỏi liệu thị trường bất động sản có thể gặp khủng hoảng khi lãi suất tăng hay không, Kuhlwein cho biết đó là một khả năng "hoàn toàn có thể xảy ra".
"Rủi ro lớn nhất là rất nhiều công ty bất động sản và phát triển nhà ở đang lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và số lượng doanh nghiệp 'thây ma' sẽ ngày càng tăng do lạm phát bùng nổ và các ngân hàng trung ương tăng lãi suất", Kuhlwein nói.
Nếu lãi suất tăng gấp đôi, số lượng các công ty "thây ma" có thể tăng gần 40%, vị chuyên gia dự báo.