Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2022.
Theo Nghị quyết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, có nhiều điểm sáng. Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; các địa phương đã triển khai có hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022, đến nay, tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên là 98,4%, mũi 3 là 37,4%; thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi với tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 93,5%; nhờ đó mặc dù gần đây số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh nhưng tỷ lệ chuyển bệnh nặng và tử vong giảm sâu.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 02 tháng tăng 1,68% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp….
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Dự báo thời gian tới, tình hình chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine; sự phục hồi kinh tế tại các quốc gia còn thiếu ổn định, không đồng đều, giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics…
Ở trong nước, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; chậm phục hồi kinh tế có thể xảy ra nếu không quyết liệt, tập trung thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội; rủi ro lạm phát, nợ xấu gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.
Trong đó, triển khai hiệu quả hơn nữa Chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022; Khẩn trương tiếp nhận vaccine và chỉ đạo thực hiện tiêm cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi…
Xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn trong 02 năm 2022 - 2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3 năm 2022.
Xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022 - 2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3 năm 2022.
Khẩn trương tham mưu ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý làm cơ quan chủ quản các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư (cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp) tại các thị trường tiềm năng; rà soát, điều chỉnh các chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với thực tiễn tình hình nhằm giữ dòng vốn và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, đồng bộ, linh hoạt
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, đồng bộ, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, công tác điều hành giá những mặt hàng nhà nước quản lý giá và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xử lý, khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước nói chung cũng như nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán.
Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; Quyết định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, hoàn thành trong tháng 3 năm 2022.
Khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022.
Có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc để khai thác hiệu quả các nguồn cung về điện
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc để khai thác hiệu quả các nguồn cung về điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế. Rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.
Thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp ngay từ đầu năm, nhất là các dự án lớn; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.
Tiếp tục hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổng kết, đánh giá các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người dân, người lao động gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm.
Khẩn trương thẩm định danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3 năm 2022…