Theo công bố, Công ty CP chứng khoán Kỹ thương - TCBS đã ôm trọn hai lô trái phiếu không tài sản bảo đảm của Công ty CP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) với tổng giá trị 950 tỷ đồng trong thời gian 6 - 10/9.
Theo công bố, Công ty CP chứng khoán Kỹ thương - TCBS đã ôm trọn hai lô trái phiếu không tài sản bảo đảm của Công ty CP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) với tổng giá trị 950 tỷ đồng trong thời gian 6 - 10/9.
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố về kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ của Công ty CP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG). Theo đó, Công ty CP chứng khoán Kỹ thương - TCBS đã ôm trọn hai lô trái phiếu với tổng giá trị 950 tỷ đồng trong thời gian 6 - 10/9.
Đây là loại trái phiếu tín chấp với kỳ hạn 36 tháng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp. Lãi suất của trái phiếu kết hợp cố định và thả nổi, trong đó, lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên cố định ở mức 9,5%/năm.
Theo thông cáo, lô trái phiếu này do TCBS và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank đứng ra thu xếp.
Nam Long dự kiến sử dụng toàn bộ số tiền thu được để thanh toán thương vụ nhận chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai, đơn vị phát triển dự án Izumi City (tên cũ: Waterfront City) có quy mô 169,3ha tại xã Long Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Mới đây, Nam Long vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, trong đó, doanh thu thuần đạt 151 tỷ, giảm 76% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, NLG chứng kiến doanh thu tài chính đột biến lên tới hơn 371 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ - chủ yếu là lãi từ đánh giá lại khoản đầu tư. Sau khi khấu trừ chi phí, NLG vẫn báo lãi ròng đạt gần 295 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 787 tỷ, giảm 39% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ xuống 29,6%, từ mốc 32,3% năm ngoái. Dù tình tình kinh doanh không mấy khả quan, lợi nhuận sau thuế NLG vẫn đạt 709 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần cùng kỳ.
Thời điểm 30/9, tổng tài sản của NLG xấp xỉ 24.000 tỷ, chủ yếu nằm trong hàng tồn kho là bất động sản dở dang ở các dự án như: Izumi, Southgate, Akari, Paragon Đại Phước, Waterpoint,... Tổng giá trị hàng tồn kho đạt hơn 17.600 tỷ, chiếm 73% tổng tài sản.
Trong cơ cấu tổng nguồn vốn của NLG, nợ phải trả đạt 11.100 tỷ, chủ yếu tới từ các hạng mục vay ngắn + dài hạn (4.000 tỷ), người mua trả tiền trước (hơn 3.800 tỷ) và thuế thu nhập hoãn lại phải trả (hơn 1.000 tỷ).
Bên cạnh đó, việc dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới hơn 2.200 tỷ trong 3Q/2021 cũng phát tín hiệu rằng hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp này đang có vấn đề. Nói cách khác, NLG đang phải dùng tiền đi vay và phát hành cổ phiếu để bù đắp cho những khó khăn trong hoạt động kinh doanh chính.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/10, cổ phiếu NLG đạt 59.700 đồng/CP. P/E hiện đạt 18.36.
Gần đây, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản không có tài sản bảo đảm.
Ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.