Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 7/10, bao gồm: PLX, GMD, DPR.
Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 7/10, bao gồm: PLX, GMD, DPR.
Khuyến nghị mua cổ phiếu PLX, với giá mục tiêu 44.500 đồng/CP
CTCK MB - MBS
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX – sàn HOSE) tiếp tục khẳng định vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu ngành khi sản lượng bán hàng nội địa 8 tháng đầu năm đạt 6,76 triệu m3 (trm3), tăng 17,6%, trong đó riêng bán lẻ đạt 4,13 trm3, tăng 21% so với cùng kỳ 2021.
Trong kỳ 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán hàng đạt 152 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 79% so với cùng kỳ, do giá dầu tăng mạnh 64% và sản lượng bán nội địa tăng 9%. Mặc dù vậy, do chi phí kinh doanh tăng mạnh cùng với dự phòng hàng tồn kho cuối kỳ 1.330 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 301 tỷ đồng, bằng 11% cùng kỳ 2021. Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu lỗ trước thuế là 595 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, do nguồn cung xăng dầu trong nước bị gián đoạn, công ty phải gia tăng nhập khẩu với tỷ lệ 46% trong thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh lên đỉnh nhiều năm, khiến các chi phí tăng mạnh làm hiệu quả kinh doanh sụt giảm. Tại thời điểm cuối kỳ, giá trị dự phòng tồn kho đạt 1.330 tỷ đồng
Dự báo trong nửa cuối năm 2022 những khó khăn của thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước như đảm bảo nguồn cung, tính đủ các chi phí định mức, giá xăng dầu biến động ít hơn sẽ làm cho thị trường và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động hiệu quả hơn. Công ty cũng trao đổi, tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu của công ty giảm từ 46% về mức 30%, nguồn cung nội địa là khoảng 70%.
Trong những tháng cuối năm 2022, nền kinh tế tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho vận tải, sản xuất tiếp tục tăng lên mạnh mẽ so với mức nền thấp cùng kỳ 2021. Chúng tôi dự báo sản lượng xăng dầu kinh doanh cả năm 2022 của công ty sẽ đạt mức từ 13,3-13,5 triệu tấn, tương đương mức tăng từ 8-10% so với 2021.
Từ năm 2023, với giả thiết thị trường xăng dầu hoạt động ổn định trở lại, nguồn cung trong nước ổn định từ 2 nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước. Hoạt động của công ty sẽ khởi sắc trở lại và hiệu quả tăng lên. Bên cạnh đó các hoạt động thoái vốn được thực hiện cũng mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Chúng tôi dự báo doanh thu có thể đạt 230 nghìn tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 5,55 nghìn tỷ đồng, tăng 79% và 140% so với 2022.
Hiệu quả kinh doanh suy giảm trong 6 tháng đầu năm do những biến động mạnh của thị trường xăng dầu trong nước, doanh thu tăng mạnh 79% nhưng lợi nhuận lại giảm đến 89% so với cùng kỳ 2021.
Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi đánh giá tình hình kinh doanh của công ty sẽ ổn định lại và hiệu quả tăng lên, dự báo doanh thu cả năm đạt 291 nghìn tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 2,3 nghìn tỷ, bằng 172% và 61% của năm 2021. Với quy mô và vị thế của công ty, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 44.500 đồng/cổ phần cho 12 tháng tới.
Xem thêm: Chứng khoán châu Á nối dài đà tăng trong phiên 6/10
GMD – Động lực tăng trưởng vẫn kỳ vọng cảng Gemalink
CTCK Yuanta Việt Nam - FSC
Công ty CP Gemadept (HOSE - Mã: GMD) ghi nhận doanh thu thuần trong Q2/2022 đạt 978 tỷ đồng, tăng 30% YoY, LNTT đạt 370 tỷ, tăng 89% YoY. Lũy kế 6T2022, GMD ghi nhận doanh thu thuần 1,858 tỷ đồng, tăng 29% YoY, LNTT đạt 720 tỷ đồng, tăng 86% YoY. Như vậy, GMD đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Doanh thu Q2/2022 của GMD tăng trưởng ở cả 2 mảng chính: khai thác cảng và logistics – cho thuê văn phòng – các hoạt động khác. Chúng tôi nhận thấy doanh thu mảng chính khai thác cảng tiếp tục duy trì tăng trưởng trong Q2/2022 tuy là có chậm hơn do tình hình xuất nhập khẩu cả nước chịu ảnh hưởng lớn từ lạm phát và chi phí vận tải tăng cao. Biên lợi nhuận Q2 tăng lên mức 44.6% (cùng kỳ 42.4%) nhờ tăng giá dịch vụ cảng. Lợi nhuận GMD tăng mạnh còn nhờ cảng Gemalink đã có lãi từ Q4/2021.
Động lực tăng trưởng GMD vẫn là kỳ vọng vào cảng Gemalink. Theo kế hoạch của GMD, ở giai đoạn 1 hiện tại, cảng Gemalink có năng lực xếp dỡ là 1,5 triệu TEU/năm, năm 2022 sẽ chiếm 15% thị phần tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Chúng tôi cho rằng kế hoạch này khá khả thi vì trong 6T2022, sản lượng hàng qua cảng Gemalink là 0,6 triệu TEU, đạt 53% kế hoạch năm 2022. GMD ước tính sẽ tăng thị phần Gemalink lên 20% khi tối đa công suất hoạt động 1,5 triệu TEU trong 2023.
Gemalink giai đoạn 2 đang trong quá trình thực hiện các thủ tục, thu xếp vốn để triển khai xây dựng trong nửa cuối 2022. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, tổng công suất Gemalink sẽ tăng lên 3 triệu TEU, kỳ vọng sẽ đưa thị phần Gemalink sẽ tăng lên 30-35%.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo cho biết hiện đang làm việc với các bên về việc chuyển nhượng 24% cổ phần Gemalink, vẫn sẽ ưu tiên đối tác hãng tàu để tối ưu hiệu suất Gemalink. Việc chuyển nhượng vốn thành công sẽ giúp GMD tăng năng lực tài chính để phục vụ đầu tư giai đoạn 2 cảng Nam Đình Vũ. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 của 2 dự án cảng này, tổng công suất GMD sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, GMD đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 17,1x (tương ứng EPS TTM là 2.914 đồng). Mức Stock Rating của GMD ở mức 87 điểm cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của GMD đóng cửa tăng 2,8% với khối lượng giao dịch giảm nhẹ và vẫn trên mức trung bình 20 phiên. Điểm tích cực thanh khoản đã có sự cải thiện mạnh trong 5 phiên giao dịch gần đây. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu khi mức Sức mạnh giá trên 80 hoặc xu hướng ngắn hạn của thị trường tích cực hơn.
Khuyến nghị khả quan DPR, giá mục tiêu 78.500 đồng/CP
CTCK Tiên Phong - TPS
Trong nửa đầu năm 2022, DPR ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 499,7 tỷ đồng nhờ gia tăng sản lượng tiêu thụ. Hoạt động thanh lý cây cao su cũng được đẩy mạnh so với cùng kỳ, đưa lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng mạnh 41% lên mức 119,6 tỷ đồng.
Trong năm 2022, DPR kỳ vọng UBND tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện thu hồi khoảng 120 ha đất theo đơn giá 1 tỷ đồng/ha tương ứng với mức đền bù 120 tỷ đồng. Hiện tại, DPR đã hoàn thành các thủ tục để bàn giao 55 ha tại KDC Tiến Hưng trong tháng 6 và dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao thêm 45ha đất cùng tại khu vực này trong giai đoạn cuối năm.
HĐQT đã thông qua hợp đồng sáp nhập giữa DPR và DPD cũng như kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi nhằm nâng sở hữu tại DPD từ 88.41% lên 100% vốn điều lệ. Theo đó, DPR sẽ phát hành thêm 443,025 cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu của DPD với tỷ lệ hoán đổi dự kiến 3.14:1.
DPR đã thông qua mức chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 35% cho 2021 và 15% cho 2022 tại buổi ĐHCĐ thường niên 2022. Trước đó doanh nghiệp đã thực hiện chi trả lần 1 trong 2021 với tỷ lệ 15%, dự kiến DPR sẽ thực hiện chi trả nốt 20% còn lại vào cuối năm 2022.
Cho cả năm 2022, chúng tôi dự báo DPR sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 1.236 tỷ đồng (tăng 1,6% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ xuống 422 tỷ đồng (giảm 11%).
Mức dự báo doanh thu cao hơn so nửa đầu dựa trên các cơ sở: (1) sản lượng mủ cao su tiêu thụ tăng mạnh vào vụ cao điểm, nhu cầu nhập khẩu lớn từ Trung Quốc sẽ hỗ trợ giá mủ cao su; (2) kỳ vọng DPR nhanh tiến độ thanh lý trong thời gian tới với kế hoạch thanh lý 527 ha cao su (3) dự kiến doanh nghiệp sẽ bàn giao 20 ha cho năm 2022, đem lại khoản thu nhập đền bù đất 120 tỷ theo giả định đơn giá bằng với mức 2021.
Chúng tôi giữ triển vọng khả quan đối với DPR nhưng điều chỉnh giảm mức PE mục tiêu theo diễn biến chung của ngành. Áp dụng mức EPS dự phóng 9,814 lên PE mục tiêu 8x, giá trị hợp lý của DPR được xác định ở mức 78.500 đồng/CP, cao hơn 26.6% so với giá đóng cửa vào 03/10/2022.
Xem thêm: Fitch hạ triển vọng tín dụng nợ công của Anh