Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 5/4, bao gồm: PET, GVR, HPG, BID.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 5/4, bao gồm: PET, GVR, HPG, BID.
Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu PET
CTCK Yuanta Việt Nam - FSC
Mức Stock Rating của PET (Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Sàn HOSE) ở mức 97 điểm, cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá đóng của PET đóng cửa tăng 7% và đồ thị giá đạt mức cao nhất 52 tuần với KLGD tăng nhẹ so với phiên trước đó. Đồng thời, đồ thị giá của PET vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng TĂNG ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục mở rộng.
FSC đã khuyến nghị mua cổ phiếu PET vào phiên 24/03/2022 với lợi nhuận tạm tính là 16,23% và vượt mức mục tiêu ngắn hạn 66.790 đồng/cp, cho nên FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ cổ phiếu PET.
Chốt lãi cổ phiếu GVR tại ngưỡng 41.500 đồng/cp
CTCK BIDV – BSC
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE - MÃ: GVR) có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu hoàn hảo sau một thời gian giao dịch quanh vùng 34-35. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng khả quan.
Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20, MA50 và MA100. Đường MA20 đang ở trên MA50 tuy nhiên vẫn ở dưới MA100. Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 36.500 đồng/cp, chốt lãi tại ngưỡng 41.500 đồng/cp và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 34.000 đồng/cp.
Khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 65.300 đồng/CP
CTCK MB - MBS
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) quý IV/2021 đạt gần 1,1 triệu tấn (tăng 19,55% so với cùng kỳ năm trước đó), cả năm 2021 đạt gần 3,9 triệu tấn (tăng trưởng 14,39%). Sản lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) tăng trưởng vượt trội, trong quý IV ghi nhận tiêu thụ hơn 629 nghìn tấn, cả năm đạt hơn 2,5 triệu tấn.
Đầu năm 2022, tình hình tiêu thụ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội. Trong tháng 1 và 2 sản lượng tiêu thụ thép xây dựng lần lượt là 381 nghìn tấn (tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái) và 447 nghìn tấn (tăng 136%), tiêu thụ HRC lần lượt đạt 228 nghìn tấn và 238 nghìn tấn.
Doanh thu và lợi nhuận Hòa Phát trong năm 2021 ghi nhận lần lượt hơn 149 nghìn tỷ đồng (tăng 83,92% so với năm trước) và hơn 34 nghìn tỷ đồng (tăng 23%). Biên lợi nhuận gộp đạt 27,46% (năm 2020 là 20,98%) và biên lợi nhuận ròng cải thiện đạt hơn 23% (năm 2020 là 15%).
Phát triển chuỗi giá trị và quy mô sản xuất: Dung Quất 2 sẽ bắt đầu khởi công vào năm nay, bên cạnh đó HPG có kế hoạch sản xuất container, phát triển bất động sản và điện máy gia dụng nhằm mở rộng chuỗi giá trị. Đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng Dung Quất 3.
Định giá: Chúng tôi kết hợp đồng thời phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do DCF và phương pháp so sánh P/E đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 65.300 đồng/CP, tức upside 43% so với thị giá.
Rủi ro: căng thẳng chính trị và chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đến hồi kết, bên cạnh đó các chính sách sản xuất và tiêu thụ thép từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến sự biến động của giá thép và nguyên vật liệu đầu vào.
Xem thêm: Đồng USD có khả năng bị “soán ngôi”?
Mua cổ phiếu BID ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%
CTCK Yuanta Việt Nam - FSC
Q4/2021, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE - Mã: BID) ghi nhận LNST tăng +36% YoY nhờ (1) chi phí hoạt động được kiểm soát tốt và (2) chi phí dự phòng giảm -11% YoY dù tổng thu nhập hoạt động giảm nhẹ. Lũy kế năm 2021, BID ghi nhận LNST đạt 10.573 tỷ đồng (+48%).
Tín dụng Q4/2021 tăng +11,2% YoY, tổng vốn huy động tăng +16,6% YoY. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng lên mức 19,75% từ mức 18,75% tại thời điểm cuối năm 2020. NIM của Q4/2021 giảm 47 điểm cơ bản so với quý trước xuống còn 2,65% do lợi suất gộp giảm mạnh hơn so với chi phí huy động.
Tổng thu nhập ngoài lãi Q4/2021 giảm -10,5% YoY, đạt 4.398 tỷ đồng, chủ yếu vì thu nhập từ thu hồi nợ xấu giảm -44% YoY, trong khi đó, lãi thuần HĐ dịch vụ tăng +16% YoY, lãi mua bán trái phiếu tăng +17% YoY và lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh +35% YoY. Lũy kế cả năm 2021, thu nhập ngoài lãi đạt 15.578 tỷ đồng (+9,4% YoY).
Tổng chi phí hoạt động Q4/2021 giảm -2.8% YoY. Lũy kế cả năm 2021, chi phí hoạt động là 19.361 tỷ đồng (+9,4% YoY), hệ số CIR là 31%, giảm từ mức 35.4% trong năm 2020. Nợ xấu giảm mạnh -38,2% QoQ, trong đó nợ nhóm 5 giảm gần 50% QoQ nhờ BID tích cực xóa 7.218 tỷ đồng nợ xấu trong Q4/2021. Tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,98%, giảm từ mức 1,61% của quý trước. Hệ số LLR tăng lên mức 219% từ 140% tại thời điểm cuối Q3/2021.
FSC kỳ vọng BID sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2022 nhờ (1) chất lượng tài sản được cải thiện tích cực trong năm 2021 sau khi ngân hàng tích cực xử lý nợ xấu (2) chi phí dự phòng dự kiến sẽ giảm trong năm 2022 nhờ nền kinh tế phục hồi và kéo theo các khoản nợ tái cơ cấu giảm và (3) các biện pháp hỗ trợ khách hàng sẽ giảm so với năm 2021.
FSC dự báo LNST của BID trong năm 2022 đạt mức 16.339 tỷ đồng, tăng trưởng (+55% YoY). Rủi ro đối với dự phóng của FSC đó là môi trường lãi suất cao hơn sẽ khiến chi phí huy động tăng và tạo áp lực lên NIM. Mức Stock Rating của BID ở mức 79 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá trung tính mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của BID đóng cửa tăng 2% và tiến sát đường trung bình 50 phiên với KLGD tăng nhẹ so với mức KLGD trung bình 20 phiên.
Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn của BID cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi sức mạnh giá trên 80 điểm.
Xem thêm: Thị trường chứng khoán biến động trái chiều, lợi suất trái phiếu Mỹ đạt mức kỷ lục