Năm 2009, khi cơ hội gõ cửa và người đứng sau cánh cửa ấy là Steve Jobs, sự nghiệp của Alina Vandenberghe đã cất cánh.
Vào thời điểm đó, nhà phát triển phần mềm Alina Vandenberghe, 25 tuổi, đang làm nhân viên thực tập trong nhóm phát triển sản phẩm di động tại hãng thông tấn toàn cầu Thomson Reuters. Giờ đây, người phụ nữ gốc Bucharest (Romania) hiện là đồng sáng lập kiêm giám đốc trải nghiệm của Chili Piper (trụ sở tại Brooklyn, thành phố New York, Mỹ).
Được thành lập vào năm 2016, Chili Piper hiện có mức doanh thu thường niên vào khoản 10 triệu USD, đến từ 30.000 khách hàng khác nhau, bao gồm những cái tên như Spotify, Airbnb và Shopify.
Công ty khởi nghiệp với 143 nhân viên này đã huy động được 54 triệu USD từ các vòng tài trợ với sự tham gia của các nhà đầu tư như Flashpoint Venture Capital và Gradient Ventures - quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào Trí Tuệ nhân Tạo (A.I.) của Google. Vandenberghe cho biết Chili Piper đang trên đà đạt doanh thu hàng năm 20 triệu USD vào cuối năm 2021.
Rất nhiều founder của các công ty khởi nghiệp đã tôn vinh huyền thoại Steve Jobs là người truyền cảm hứng để họ có bước nhảy vọt trong kinh doanh. Vandenberghe là một trong số ít những người may mắn có thể thừa nhận, mối tương tác cá nhân với người đồng sáng lập quá cố của Apple đã tác động rất lớn tới những đặc điểm của công ty mà cô gây dựng. Nhiều năm trước, Steve Jobs đã chọn một ứng dụng do cô hỗ trợ lập trình cho Thomson Reuters để ra mắt chiếc iPad đầu tiên của Apple.
Bất kỳ nhà phát triển phần mềm trẻ tuổi nào cũng sẽ coi đó là lá phiếu cho sự tự tin và tiếp tục tiến lên. Còn với Vandenberghe, được làm việc với Steve Jobs có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó chính xác là người hướng dẫn cô cần để tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình.
=> Xem thêm: Startup thế hệ thứ hai sẽ thay đổi cuộc chơi tại Đông Nam Á
Bài học từ Steve Jobs: Hãy luôn giữ mọi thứ thật đơn giản
Lấy cái phức tạp và đơn giản hóa nó. Đó là phản hồi mà Steve Jobs liên tục đưa ra cho Vandenberghe và nhóm của cô thông qua email hay các cuộc gọi hội nghị khi họ làm việc để phát triển ứng dụng của Thomson Reuters. Đây cũng là thông điệp phản ánh rõ thương hiệu cá nhân của nhà đồng sáng lập Apple, người thường có những thiết kế thành công dựa vào việc ưu tiên trải nghiệm người dùng dễ dàng hơn.
“Đơn giản có thể khó khăn hơn là phức tạp", huyền thoại Steve Jobs đã nói như vậy với tờ Business Week vào năm 1998: “Bạn phải nỗ lực thật nhiều trong việc giữ suy nghĩ gọn gàng để đạt được tới sự đơn giản. Những cuối cùng thì điều đó sẽ vô cùng đáng giá bởi khi bạn làm được như vậy, bạn thậm chí có thể dời được cả ngọn núi”.
Lời khuyên này luôn ám ảnh Vandenberghe, người đã phải vật lộn với việc truyền đạt những khái niệm phức tạp trong nhiều năm liền sau khi chuyển tới thành phố New York vào năm 2007. Kinh doanh không phải là điều mới mẻ đối với cô. Hồi còn ở Bucharest, Vandenberghe đã đi làm thêm từ rất sớm, từ việc dạy thêm, bán son tới quản lý hóa đơn điện nước của nhà hàng xóm.
Nhưng ở Mỹ, vốn tiếng Anh ít ỏi và nặng tiếng địa phương khiến cô khó có thể giao tiếp hiệu quả. “Khi mới đến Mỹ, tôi cảm thấy như tiếng Anh của mọi người vượt trội hơn tôi gấp trăm lần", Vandenberghe kể lại. “Mọi chuyện giờ đã khá hơn, nhưng lúc đầu tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi nói chuyện với những người khác và đôi khi tôi hầu như không nói chuyện được”.
Sau hai năm làm việc với tư cách là nhà tư vấn độc lập cho các dự án phần mềm di động - và gửi đi “hàng triệu đơn xin việc” - cuối cùng cô đã nhận được công việc thực tập tại Thomson Reuters. Vài tháng sau, người quản lý của cô giao cho cô và một đồng nghiệp khác một nhiệm vụ đặc biệt: xây dựng một ứng dụng chạy trên một chiếc máy tính bảng hình chữ nhật nhỏ. Công việc của họ được thực hiện trong căn phòng không cửa sổ ở tầng hầm bên dưới Quảng trường Thời đại ở Thành phố New York.
Cả hai được yêu cầu ký một thỏa thuận không tiết lộ. Thỏa thuận sẽ hết hạn sau khi iPad được công bố rộng rãi. “Tôi không nói bất cứ điều gì với bất kỳ ai, kể cả người quản lý của chính tôi", Vandenberghe chia sẻ. Phản hồi mà cô nhận được từ Steve Jobs luôn luôn không đổi: phải tiếp tục đơn giản hóa trải nghiệm. Cô nhớ lại câu nói của Jobs: “Hãy tạo ra thứ gì đó sẽ khiến họ kinh ngạc.”
Sau khi Vandenberghe và đồng nghiệp của mình hoàn thành ứng dụng, cô đã được thăng chức từ thực tập sinh lên quản lý bộ phận sản phẩm di động. Sau buổi ra mắt sản phẩm máy tính bảng iPad tháng 1/2010, Vandenberghe tiếp tục được thăng chức làm giám đốc bộ phận di động.
Vài ngày sau khi nhận được thông báo thăng chức, khi rời văn phòng tại Quảng trường Thời đại và thấy quảng cáo cho ứng dụng trên một bảng quảng cáo khổng lồ, Vandenberghe thực sự choáng váng. “Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được điều đó có thể xảy ra", cô kể lại.
=> Xem thêm: Kỳ lân Spiber vừa huy động thêm 312 triệu USD
Cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ
Một thập kỷ sau, khi Vandenberghe cuối cùng quyết định thành lập công ty của riêng mình, cô nhớ đến lời khuyên của Steve Jobs.
Nền tảng của Chili Piper được thiết kế theo tiêu chí đơn giản: chỉ cần một cú nhấp chuột, trực quan và hấp dẫn. Sứ mệnh của công ty cũng dựa trên khái niệm về sự đơn giản, hay theo như cách nói của Vandenberghe là: giúp đỡ các nhóm bán hàng bằng cách giảm thiểu sự phức tạp qua lại trong việc lên lịch các cuộc họp.
“Lý do chúng tôi thành công là vì chúng tôi quyết định ứng dụng tiêu chí đơn giản trong trải nghiệm người dùng vào doanh nghiệp", Vandenberghe cho hay. “Các phần mềm doanh nghiệp có xu hướng khá phức tạp và khó sử dụng".
Khái niệm này nghe có vẻ ngớ ngẩn hoặc có lẽ quá đơn giản nhưng các nhà đầu tư đã chỉ ra rằng, số liệu doanh thu của startup này chính là bằng chứng cho thấy Vandenberghe và người đồng sáng lập của cô - cũng là chồng cô, Nicolas - đã nắm bắt được trọng tâm ngay từ đầu.
“Năm 2019, khi chúng tôi quyết định đầu tư, họ đã có doanh thu 1 triệu USD", Michael Szalontay, người sáng lập Flashpoint và đối tác chung của Chili Piper, cho hay. “Và bạn biết đấy, về cơ bản không ai ở Mỹ quan tâm đến việc rót vốn cho họ".
Ngày nay, công nghệ marketing đang thu hút nhiều sự chú ý hơn, đặc biệt là trong thời đại làm việc từ xa, với các cuộc họp và giao dịch ảo. Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Gartner, mảng phần mềm của ngành công nghiệp này trị giá khoảng 17,9 tỷ USD, trong khi nghiên cứu nội bộ của Chili Piper đưa ra một con số lớn hơn rất nhiều là 56,5 tỷ USD.
Một đối thủ cạnh tranh của Chili Piper, công ty khởi nghiệp Calendly có trụ sở tại Atlanta, đã đạt mức định giá 3 tỷ USD vào tháng 1 sau khi thành công huy động 350 triệu USD. Những gã khổng lồ công nghệ như Google và Apple cũng đã tham gia vào cuộc chơi này trong thời gian xảy ra đại dịch với việc xây dựng các dịch vụ lên lịch cuộc họp tương ứng với Google Workspace và iWork.
“Tôi chắc chắn rằng Google và Apple sẽ có thể tạo ra một sản phẩm tuyệt vời", ông Szalontay cho hay. “Nhưng hy vọng, chúng tôi có thể sử dụng lợi thế của người đi trước và đi đủ xa để tiếp tục mang lại giá trị tức thì".
Trong khi đó, Vandenberghe phủ nhận sự cạnh tranh từ Google – cũng là một trong những nhà đầu tư của Chili Piper, đồng thời cho biết các sản phẩm tương ứng của họ được tạo ra để phục vụ các nhu cầu khác nhau. Nhưng áp lực cạnh tranh với Apple là có thật, đặc biệt là khi cô cho rằng quãng thời gian làm việc với Steve Jobs và nhóm phát triển iPad chính là nguyên nhân mang tới thành công cho Chili Piper. Bản thân cũng cũng luôn trăn trở bởi những thành quả của các đối thủ cạnh tranh mới của mình.
Bất cứ khi nào điều đó xảy ra, cô đều nhớ lại những ngày đầu làm việc cùng Steve Jobs.
“Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải có lòng can đảm để tiếp tục con đường điên rồ mà mình đang đi", Vandenberghe cho hay.
=> Xem thêm: Đầu tư A-Z: 7 cách để tiết kiệm và đầu tư hiệu quả