Các thủy thủ Trung Quốc đã bắt đầu trở về quê chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này làm trầm trọng tình trạng thiếu hụt công nhân tại cảng biển ở nước này, đồng thời gây thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các thủy thủ Trung Quốc đã bắt đầu trở về quê chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này làm trầm trọng tình trạng thiếu hụt công nhân tại cảng biển ở nước này, đồng thời gây thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tại, một số hãng tàu biển lớn trên thế giới như Ocean Network Express và Hapag-Lloyd đã ngừng nhận đơn hàng mới đến các cảng nhỏ ở miền nam Trung Quốc, theo thông báo do các hãng tư vấn gửi đến khách hàng doanh nghiệp.
Để đưa hàng hóa từ các nhà máy ở Trung Quốc đến tay người tiêu dùng toàn cầu, các doanh nghiệp quốc tế phải phụ thuộc vào mạng lưới phức tạp gồm các tàu trung chuyển do các hãng khai thác tư nhân điều hành.
Tàu trung chuyển được dùng để đưa container lên và xuống những tàu biển lớn tại các cảng chính của Trung Quốc như Hong Kong và Thượng Hải. Xe tải và sà lan cũng hỗ trợ cho quá trình vận chuyển hàng hóa.
Động thái của các công ty vận tải biển nêu trên được cho là bắt nguồn từ tình trạng thiếu hụt tàu trung chuyển hàng, mà nguyên nhân sâu xa hơn là do thiếu nguồn cung lao động.
Thông thường, hàng năm các hãng tàu sẽ tạm dừng dịch vụ trung chuyển container ở đồng bằng sông Châu Giang và khu vực Hong Kong trong khoảng 6 tuần để công nhân nghỉ Tết Nguyên đán.
Song, trong năm tới, ước tính thời gian tạm dừng hoạt động sẽ diễn ra trong ít nhất hai tháng do chính phủ Trung Quốc đang áp dụng các chính sách cách ly kéo dài đối với thủy thủ đoàn, Bloomberg dẫn lời các chuyên gia vận tải biển.
Thủy thủ đoàn cũng như công nhân cảng biển tại Trung Quốc, do đã quá mệt mỏi với các quy định cách ly, đang bắt đầu trở về quê chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Vì vậy, các công ty vận tải biển lẫn đơn vị logistics trên đất liền không có đủ nhân công để vận hành các tàu trung chuyển hàng lẫn xe tải chở hàng nên phải ngừng nhận đơn hàng mới.
Trong một email được Hapag-Lloyd gửi khách hàng, hành trình trở về quê nhà của các thủy thủ đoàn Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn bởi quy định cách ly "14+7". Tức là, các công nhân ngành vận tải biển phải cách ly tại khách sạn tối thiểu 14 ngày sau khi rời tàu, sau đó là 7 ngày tự cách ly tại nhà.
Các chuyên gia cho biết, việc thủy thủ đoàn Trung Quốc nghỉ tết sớm đã làm tăng cước vận chuyển container từ miền nam Trung Quốc đến Đông Nam Á tăng 30% so với một tuần trước và chi phí có thể leo thang hơn nữa. Đồng thời, tình trạng kẹt cứng tại các cảng biển ở Mỹ cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Hàng loạt ổ dịch mới bùng phát trên khắp cả nước có thể sẽ buộc chính quyền các địa phương tăng cường chính sách kiểm soát đối với người đi và đến các thành phố cảng biển hoặc các tỉnh xa hơn trong đất liền, giới chuyên gia lo ngại.
Tình trạng gián đoạn tại các cảng biển Trung Quốc cho thấy tác động mà đất nước tỷ dân gây ra cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero Covid.
Từ việc đóng cửa cảng Yantian và Ninh Ba hồi đầu năm nay cho đến việc các thuyền viên nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn mọi năm, các biện pháp chống dịch của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn tại các cảng từ Vancouver (Canada) đến châu Âu, các chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Salmon Aidan Lee, chiến lược gia cấp cao tại Wood Mackenzie, nhận định: "Nếu chính quyền địa phương tại khu vực miền đông Trung Quốc siết chặt các biện pháp đi lại khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng lên, tình hình có thể xấu đi từ đây".
Tuần này, thành phố Ninh Ba đã áp lệnh phong tỏa đối với quận Zhenhai sau khi phát hiện một trường hợp nhiễm Covid-19 và hai ca dương tính không biểu hiện. Các nhà máy hóa dầu đã phải giảm sản lượng và cấm công nhân rời khỏi địa phương.
Mặc dù lệnh phong tỏa ở quận Zhenhai không ảnh hưởng đến lịch trình vận chuyển ở miền nam Trung Quốc, tình hình có thể thay đổi nếu giới chức địa phương điều chỉnh quy định cách ly hoặc giới hạn đi lại, phát ngôn viên Tim Seifert của Hapag-Lloyd cho hay.