Slime hay còn được gọi là “chất nhờn ma quái”, là món đồ chơi đang rất “hot” trên mạng khiến trẻ em cực kì yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết mặt trái của loại đồ chơi này.
Slime hay còn được gọi là “chất nhờn ma quái”, là món đồ chơi đang rất “hot” trên mạng khiến trẻ em cực kì yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết mặt trái của loại đồ chơi này.
Đồ chơi slime có xuất xứ từ nước ngoài, còn được gọi là "chất nhờn ma quái". Slime thường được làm từ chất tẩy rửa cùng với hồ nước tạo thành khối sệt, mềm dẻo và không dính. Trước đây, trẻ em các nước Âu - Mỹ thường sử dụng phổ biến, sau đó slime được du nhập về Việt Nam.
“Chất nhờn ma quái” slime có độ mềm dẻo của cao su nhưng lại mềm mại như nước với đặc tính vừa mềm, vừa cứng, dẻo, dai, mềm, biến đổi theo hình dạng vật thể chứa nó. Đây là một đặc tính trung gian mà thực tế trên thị trường hiện nay chưa tồn tại một dòng sản phẩm đồ chơi nào có các đặc tính biến hình tương tự. Slime có thể chui lọt lỗ kim, kéo sợi mảnh như tơ, biến đổi hình dạng bất ngờ và nhanh chóng, với đặc tính này, người chơi slime phải hết sức nhanh nhẹn và linh hoạt.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng slime cho con trẻ của nhiều gia đình, rất nhiều website bán “chất nhờn ma quái” online tràn lan trên mạng. Một số shop bán hàng trên mạng còn quảng cáo slime có tác dụng đặc biệt là rửa sạch, sát khuẩn tay, đồ dùng hoặc dùng để hóa trang...
Một số shop cho biết, slime là loại keo màu, là dạng polymer chảy như chất lỏng sệt. Vật liệu này không bám dính vào tay hay các dụng cụ khác và cũng không tan trong nước. Trẻ em có thể chơi mà không lo bị bẩn đồ hay tay chân…
Slime được bán phổ biến tại các cổng trường và trên mạng với giá cực rẻ, thấp nhất chỉ từ khoảng 5.000 đồng/hộp.
Trên YouTube có rất nhiều clip hướng dẫn cách làm slime và các trò chơi này thu hút hàng triệu lượt xem. Trên thị trường đồ chơi trẻ em, nhiều loại slime được bán có nguồn gốc từ các nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc.
Đồ chơi slime nếu được làm từ hóa chất và phụ gia không rõ nguồn gốc có thể gây hiện tượng dị ứng, ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy.
Ngày 16/4, 35 học sinh trường Tiểu học Hòa Khương, quận Hòa Vang, TP. Đà Nẵng phải đi cấp cứu với biểu hiện khó thở, ngứa da, trong đó một em có bệnh nền bẩm sinh. Nguyên nhân ban đầu là ngộ độc do chơi slime.
Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, ban đầu, một học sinh tự chế tạo từ các miếng slime dạng nước, hình dáng giống miếng hạ sốt. Em đem ngâm chúng trong nước nhiều giờ và phối trộn với các chế phẩm khác mua từ quán tạp hóa. Sau đó, em bán lại cho các bạn cùng trường. Khi cùng chơi và ngửi mùi từ slime tự chế, nhóm học sinh đau đầu, đau bụng, nôn ói, khó thở...
Đây không phải lần đầu tiên loại đồ chơi này gây ngộ độc cho trẻ nhỏ. Vào hồi năm 2018, một bé trai 7 tuổi đã bị sưng phồng ngón tay, nhiễm trùng da nặng do chơi slime, phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) điều trị.
Thực tế, slime được tạo ra bằng cách trộn một hợp chất gọi là sodium borate hoặc borax với nước. Nó có kết cấu dày, giống như keo và nhiều màu sắc khác nhau nếu pha thêm màu.
Một nhóm nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có 8 trong 11 sản phẩm slime (theo khảo sát) vi phạm các quy định của EU do lượng boron quá cao, thậm chí cao hơn gấp 4 lần giới hạn an toàn.
Cơ quan An ninh Y tế quốc gia Pháp từng cảnh báo, một số loại đồ chơi bằng chất dẻo, chất nhờn như slime chứa nhiều chất độc hại, có khả năng gây dị ứng, bỏng, chàm còn gọi là eczema, thậm chí ảnh hưởng tới thần kinh. Chất tạo cho hỗn hợp này tính dẻo và nhờn là axit boric, loại dung dịch thường được dùng để rửa kính áp tròng. Liên minh châu Âu (EU) đã xếp loại chất này vào nhóm các chất có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của con người, đặc biệt nguy hiểm nếu tiếp xúc thường xuyên.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên giám sát khi con chơi slime, giới hạn thời gian chơi, không để trẻ ngậm hoặc ăn đồ chơi. Và đặc biệt là chọn mua sản phẩm hoặc nguyên liệu làm slime có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có ghi chú rõ thành phần nguyên liệu và khả năng kích ứng.