Theo lời kể của các học sinh Trường Tiểu học Hòa Khương (Đà Nẵng), việc ngộ độc xảy ra là từ đồ chơi slam do một bạn cùng trường tự chế tạo.
Theo lời kể của các học sinh Trường Tiểu học Hòa Khương (Đà Nẵng), việc ngộ độc xảy ra là từ đồ chơi slam do một bạn cùng trường tự chế tạo.
Theo Người Đưa Tin Pháp luật, ngày 17/4, tin từ Công an huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, đội Cảnh sát kinh tế công an huyện vẫn đang tiến hành xác minh vụ 32 học sinh tiểu học ngộ độc vừa xảy ra trên địa bàn.
Dẫn lời Báo Người Lao Động, em V.T.N. (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hòa Khương) cho hay, sở dĩ các em biết đến đồ chơi Slam này là từ các clip trên Youtube.
"Chúng em xem trên YouTube rồi làm theo. Đồ chơi này là dạng hỗn hợp giống như đất nặn, có thể nhào nặn thành nhiều hình thù tùy ý thích. Trên YouTube có các clip hướng dẫn cách làm và cách chơi", em N. cho hay.
Bước đầu, cảnh sát đã thu giữ được nhiều mẫu vật là đồ chơi đất nặn slam hay còn gọi là slime hoặc xà lam. Về hình hài, đồ chơi này như đất sét, công dụng cũng như đất sét nặn. Tuy nhiên, chúng có nhiều màu sắc, dẻo mềm hơn so với đất sét thông thường và không dính tay.
Tiến hành tìm kiếm trên mạng xã hội, cơ quan chức năng phát hiện nó còn được gọi tên khác là "chất nhờn ma quái". Trên thị trường đồ chơi trẻ em, nhiều loại slam được bán có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Đã có rất nhiều trang mạng cũng cảnh báo về mức độ nguy hại hay các vụ ngộ độc khi trẻ em dùng loại đồ chơi này.
Công an huyện Hòa Vang cũng thông tin, thực tế slam không phải là hàng cấm nhưng do các đối tượng sản xuất sử dụng nhiên liệu có một số chất độc hại nên trong quá trình vui chơi, các cháu hít phải dẫn đến bị ngộ độc.
Cơ quan chức năng sẽ xác minh các chất liệu có trong loại đất nặn slam này để làm rõ nguyên nhân. Qua đây, Công an huyện Hòa Vang cũng khuyến cáo, cảnh báo các bậc phụ huynh không cho con em của mình chơi loại đồ chơi này, cũng như các đồ chơi khác không rõ nguồn gốc.
Cũng theo Người Đưa Tin Pháp luật, loại đồ chơi này có đủ màu sắc bắt mắt. Đất nặn được đóng gói trong các bao bì nilon, các hộp nhựa. Trên bao bì ghi đầy những ký tự chữ nước ngoài, cách hình vẽ thu hút trẻ em. Để chơi được loại đồ chơi này, các em phải tiến hành ngâm nước để chất nặn mềm ra.
Ở một diễn biến khác có liên quan, hiện còn gần 20 em học sinh đang điều trị ở 2 bệnh viện là Hòa Vang và Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Sức khỏe của các em đều tiến triển tốt và ổn định.
Trước đó, Báo Thanh Niên đưa tin, vào lúc 8h15’ ngày 16/4, Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang đã tiếp nhận cấp cứu 32 học sinh trong tình trạng khó thở, đau bụng, buồn nôn… Tất cả các học sinh vào cấp cứu đều học tại Trường tiểu học số 1 Hòa Khương (có địa chỉ tại thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), các em này bị ngộ độc sau khi sử dụng “đồ chơi lạ" mua trước cổng trường.
Đến 10h sáng cùng ngày, Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang đã chuyển viện 5 em học sinh đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) trong tình trạng khó thở nặng.
Theo bác sĩ Trần Sỹ - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang: "Bệnh viện tiếp nhận 32 trường hợp ngộ độc, sau đó chuyển 5 trường hợp qua Bệnh viện Phụ Sản - Nhi, cho xuất viện 8 ca. Các học sinh cấp cứu tập trung ở khối lớp 3 và lớp 4. Hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi các trường hợp tại Khoa cấp cứu".