CEO công ty vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng - Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết hiện tại không có tiền, nhưng khẳng định không "nổ", chất xám và ý tưởng của ông sẽ giúp huy động vốn từ những nguồn khác.
CEO công ty vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng - Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết hiện tại không có tiền, nhưng khẳng định không "nổ", chất xám và ý tưởng của ông sẽ giúp huy động vốn từ những nguồn khác.
“Tôi không có tiền, tôi chỉ có chất xám”
Nguyễn Vũ Quốc Anh, CEO công ty vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng ở nhà cấp 4 và kinh doanh online thừa nhận rằng: "Nói thẳng là tôi không có gì. Tôi chỉ có chất xám, tôi chẳng có tiền". Điều này mâu thuẫn với chính phát ngôn trước đó của ông khi cho biết con số gần 500.000 tỷ đồng là "bình thường, thật ra còn hạn chế, còn ít, đừng nghĩ nó cao" hay "số tiền này với tụi tôi cũng chẳng là gì...".
"Nhiều người nói tôi ở nhà cấp 4, nhưng phong cách tôi thích sống âm thầm, vừa rồi là do sự cố chứ tôi không muốn PR", ông Quốc Anh nói trong livestream. Ông này cho hay tích lũy được chất xám là do trước đây thường làm ở các vị trí nhỏ ở các tập đoàn lớn hàng đầu Việt Nam. Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho rằng đã làm ở các tập đoàn hàng đầu Việt Nam và may mắn theo chân các "sếp" để học hỏi, "từ đó đưa ra công thức riêng để vận hành kinh doanh".
Quá trình livestream, vị CEO "siêu" doanh nghiệp liên tục đưa cốc nhựa lên uống nước và luôn miệng bảo: "Đừng nói tôi nổ! Tôi không nổ".
Theo Nguyễn Vũ Quốc Anh, định hướng và tầm nhìn của doanh nghiệp "siêu khủng" này là đại diện cho Việt Nam ra nước ngoài.
"Làm việc ở nhà nhưng lực lượng nhân lực làm việc từ xa. Đó là sự khác biệt so với các công ty, tập đoàn khác. Tôi họp online liên tục từ 4h sáng với các CEO nước ngoài. Tôi nói tiếng Anh không chuẩn nhưng tôi có nhờ ban cố vấn", ông Quốc Anh nói thêm.
CEO công ty vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng khoe doanh số 2022 đạt 1 tỷ USD
Ngoài chia sẻ về mục tiêu của doanh nghiệp "khủng" trên, CEO 8X nói trên còn đưa ra nhiều con số về doanh thu lớn theo kiểu "tăng trưởng dài hạn" hay "một tấc lên giời".
"Năm 2022, công ty của tôi có thể mang về 1 tỷ USD, năm 2023 đến 2025 có thể sẽ tăng lên 30 tỷ USD và có thể lên 50 tỷ USD vào năm 2027", lời CEO 8X.
Dự kiến, trong nửa cuối năm nay, doanh nghiệp này sẽ đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng, tăng lên 1 tỷ USD vào năm sau và 30 - 50 tỷ USD trong vòng 20 - 30 năm tới. Kế hoạch này vượt xa quy mô doanh thu của những doanh nghiệp đứng đầu thị trường. Hiện Vingroup, doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán, đạt doanh thu hợp nhất gần 5 tỷ USD trong năm 2020.
Ông Quốc Anh cho biết, kế hoạch này được xây dựng dựa vào mục tiêu đưa ra thị trường hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm phần mềm.
Ngoài ra, ông này còn dự định sẽ xây... 17 tòa nhà đại diện cho 17 công ty với tổng số vốn đầu tư 30 tỷ USD và khẳng định "sẽ thực hiện".
Dẫn lời Doanh nghiệp và Tiếp thị, CEO công ty vốn điều lệ 500.000 tỷ cho hay: "Đừng nói tập đoàn của chúng tôi là startup, tôi không là statup, nếu các bạn nghĩ tôi là startup là sai lầm, tốc độ chúng tôi đi gấp 500 lần startup, doanh thu năm sau 1 tỷ USD với tôi là không lớn, chỉ xấp xỉ 25.000 tỷ đồng thôi".
Doanh số 1 tỷ USD nghe thì có vẻ to tát, nhưng thực chất, nếu Nguyễn Vũ Quốc Anh thực sự có 500.000 tỷ (không tính vốn đăng ký chục ngàn tỷ của các doanh nghiệp còn lại do Quốc Anh đứng tên Giám đốc kiêm đại diện pháp luật), thì tiền lãi gửi tiết kiệm ngân hàng mà anh nhận được đã vượt xa con số 1 tỷ USD kia.
Căn cứ vào giá bán ngoại tệ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 15/6, 1 USD = 23.050 đồng, mục tiêu 1 tỷ USD của siêu doanh nghiệp kia tương đương 23.050 tỷ đồng (chứ không phải 25.000 tỷ đồng như Quốc Anh tính nhẩm).
Trong khi đó, nếu đem 500.000 tỷ đồng gửi tiết kiệm, với mức lãi suất từ 5,12% - 6,2%/năm, số tiền CEO này có thể thu về sau 1 năm là:
SHB với lãi suất 5,80%/12 tháng, tương đương tiền lãi 1 năm là 29.000 tỷ đồng. Bản Việt với lãi suất 6,20%/12 tháng, tương đương tiền lãi nhận được 1 năm là 31.000 tỷ đồng. Eximbank với lãi suất 6,20%/12 tháng, tương đương tiền lãi nhận được 1 năm là 31.000 tỷ đồng. ABBank với lãi suất 5,70%/12 tháng, tương đương tiền lãi nhận được 1 năm là 28.500 tỷ đồng.
Vietcombank với lãi suất 5,5%/12 tháng, tương đương số tiền lãi nhận được là 27.500 tỷ đồng. Agribank với lãi suất 5,6%/12 tháng, tương đương số tiền lãi nhận được 1 năm là 28.000 tỷ đồng. MBBank với lãi suất 5,12%, tương đương lãi nhận được 1 năm là 25.600 tỷ đồng.
Như vậy, nếu thực có 500.000 tỷ đồng, đem gửi tiết kiệm rồi đi chơi thì mỗi năm Quốc Anh cũng thu về tay xấp xỉ 30.000 tỷ đồng tiền lãi, cao hơn nhiều so với tiền lãi mà tập đoàn GAB Group vận hành cả năm mang về, theo ước tính của CEO công ty vốn điều lệ 500.000 tỷ này.
Hồi tháng 5, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết có trường hợp cá nhân đăng ký thành lập 4 doanh nghiệp/tháng, vốn lớn nhất là hơn 500.000 tỷ đồng, doanh nghiệp khác cũng có vốn đăng ký hơn 25.000 tỷ đồng; hai doanh nghiệp khác có vốn từ hàng chục tỷ đồng đến vài chục triệu USD.
Người đứng tên lập hàng loạt doanh nghiệp là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986 tại TP. HCM). Đáng nói, trong bản đăng ký vốn góp vào siêu doanh nghiệp 21,7 tỷ USD, vốn của các doanh nghiệp mà ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đăng ký nhiều gấp 3 lần tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng (7,3 tỷ USD), trong khi đó ông này hiện chỉ ở nhà cấp 4, kinh doanh online.
Điều này khiến dư luận hoài nghi, thậm chí bất bình trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19.