Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tích trữ tiền mặt sau khi bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán trong năm nay, gây ra khoản lỗ hàng nghìn tỷ USD và dập tắt sự “nhiệt huyết” với các loại tài sản rủi ro.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tích trữ tiền mặt sau khi bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán trong năm nay, gây ra khoản lỗ hàng nghìn tỷ USD và dập tắt sự “nhiệt huyết” với các loại tài sản rủi ro.
Theo Investment Company Institute, gần 140 tỷ USD đã đổ vào các quỹ thị trường tiền tệ kể từ đầu năm đến nay, đưa tổng tài sản mà các quỹ này đang nắm giữ lên tới 1.550 tỷ USD.
Chỉ tính riêng 3 tuần gần đây, các quỹ đã hút được khoảng 36 tỷ USD.
Động thái tích trữ nhiều tiền mặt diễn ra sau đợt bán tháo kéo dài và tính không ổn định của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay. Điều này khiến các công ty đại chúng mất tổng cộng gần 15.000 tỷ USD giá trị vốn hóa. Trong tháng 9 vừa qua, chỉ số S&P 500 đã khép lại chuỗi các quý giảm điểm dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn trên thị trường Phố Wall là bởi lạm phát và chi phí đi vay tăng cao giữa lúc Fed đổi hướng sang thắt chặt chính sách tiền tệ. Những yếu tố này đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng. Và giờ ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế dự báo suy thoái sẽ ập đến ngay trong năm 2023.
Ngoài ra, kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3, tỷ suất lợi nhuận của các quỹ thị trường tiền tệ đã tăng lên đều đặn. Điều này ngay lập tức thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt khi mà lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Bank of America gần như bằng 0.
Quỹ thị trường tiền tệ 240 tỷ USD của Fidelity hiện có lợi suất đạt gần 2,6%, trong khi quỹ quy mô 218 tỷ USD của Vanguard cũng có lợi suất tăng lên mức gần 2,83% trong tháng này.
Xem thêm: Credit Suisse và cuộc truy tìm mắt xích yếu nhất trong lĩnh vực tài chính toàn cầu
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các quỹ quản lý tài sản lớn cũng đang muốn đứng ngoài thị trường và chờ đợi những điều tồi tệ qua đi. Khảo sát mới nhất do Bank of America (BofA) thực hiện cho thấy, vào tháng 10, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của các nhà quản lý quỹ lên tới 6,3% - mức cao kỷ lục kể từ tháng 4/2001.
Tuy nhiên kể cả khi nhiều người coi tiền mặt là hầm trú ẩn an toàn, bản thân các quỹ thị trường tiền tệ vẫn bị rút 87,4 tỷ USD kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Tổng cộng kể từ đầu năm đến nay họ bị rút 250 tỷ USD.
Một phần nguyên nhân là do các công ty bắt đầu dùng đến lượng tiền mặt đã tích trữ được để ứng phó với đại dịch. Tháng trước, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs cảnh báo lượng tiền mặt tại các công ty (cả những công ty bluechip và các công ty có mức xếp hạng đầu tư thấp hơn và do đó sẽ rủi ro hơn) đang quay trở lại với mức trước dịch.
Nhu cầu tiền mặt sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Fed và mức độ biến động của thị trường tài chính. Một số lưu ý rằng, khi Fed quyết định kiểm soát lạm phát chặt hơn, sức hấp dẫn của tiền mặt sẽ giảm xuống.
Xem thêm: Đồng bảng Anh phục hồi sau khi nữ Thủ tướng Truss từ chức