Đối với những người lo lắng rằng chính sách tiền tệ siêu dễ dàng kéo dài suốt 1 thập kỷ đang tạo ra “bong bóng” tài sản trên khắp thế giới, dấu hiệu đầu tiên của rắc rối có lẽ đang dần xuất hiện.
Đối với những người lo lắng rằng chính sách tiền tệ siêu dễ dàng kéo dài suốt 1 thập kỷ đang tạo ra “bong bóng” tài sản trên khắp thế giới, dấu hiệu đầu tiên của rắc rối có lẽ đang dần xuất hiện.
Các chuyên gia của Bank of America cho rằng “bong bóng” đang "nổ đồng loạt" tại một số nhóm tài sản đầu cơ, bao gồm tiền mã hóa, cổ phiếu công nghệ và các phần rủi ro khác trên thị trường. Theo Bloomberg, đà giảm của các tài sản đầu cơ xuất hiện khi nhà đầu tư nín thở chờ đợi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách.
Jay Hatfield, nhà quản lý danh mục tại Infrastructure Capital Advisors cho biết: "Sự sụt giảm thanh khoản từ Fed sẽ đồng thời làm giảm phần bù rủi ro cổ phiếu và tăng lãi suất. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là những tài sản rủi ro trên thị trường bao gồm các khoản đầu tư theo xu thế vào các cổ phiếu công nghệ thua lỗ, cổ phiếu meme và đặc biệt là tiền mã hóa do chúng không có giá trị nội tại".
Dưới đây là 8 biểu đồ cho thấy tình trạng đầu cơ tắt dần trên các loại tài sản khác nhau:
Quỹ ETF Innovation chủ lực của công ty quản lý tài sản Ark Investment Management đã sụt giảm khoảng 46% kể từ đỉnh tháng 2/2021.
Tín hiệu "diều hâu" từ Fed giáng đòn mạnh vào những cổ phiếu công nghệ định giá quá cao, nhiều trong số đó chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của Ark như Tesla và Roku.
Hoạt động đầu cơ cũng đang suy yếu trong những ngóc ngách rủi ro khác của thị trường chứng khoán. Rổ cổ phiếu công nghệ không sinh lời mà Goldman Sachs theo dõi đã sụt giảm sau khi tăng tiến không ngừng cả năm qua. Trong khi đó, chỉ số theo dõi SPAC đã mất 35% kể từ đỉnh.
Todd Rosenbluth, Trưởng bộ phận nghiên cứu ETF tại CFRA lý giải: "Kịch bản môi trường lãi suất tăng đang khiến nhà đầu tư nghĩ lại về rủi ro mà họ có thể chịu được. Các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao hơn nhưng kém ổn định đang mất dần sự yêu thích khi nhà đầu tư ưu tiên các doanh nghiệp vững vàng hơn".
Nhưng ông không cho rằng bất kỳ sự suy giảm nào trong những lĩnh vực trên của thị trường là “bong bóng” xịt hơi.
"Tôi không thích từ "bong bóng" vì chúng chỉ có thể được nhận ra sau khi đã đổ vỡ. Chúng ta đang ở trong một xu hướng và xu hướng có thể bị đảo ngược hoặc không", ông nói thêm.
Chỉ số Nasdaq Biotech mất 6,5% trong tuần đầu của năm mới, đánh dấu chuỗi 5 ngày tồi tệ nhất kể từ giữa tháng 3/2020. Nhiều công ty trong chỉ số này chưa tạo ra được doanh thu hay lợi nhuận và bị ảnh hưởng bởi việc nhà đầu tư rũ bỏ các cổ phiếu rủi ro lớn nhưng tiềm năng sinh lời cao.
Quỹ ETF Invesco Solar (chuyên đầu tư vào cổ phiếu ngành năng lượng mặt trời) chứng kiến dòng tiền ra hơn 70 triệu USD ngày 6/1, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.
Quỹ ETF này ghi nhận mức tăng hơn 230% trong 2020 nhưng đã mất đi sức hút trong những ngày gần đây khi Fed chuyển sang hơi hướng thắt chặt tiền tệ.
Tiền mã hóa cũng đang điêu đứng. Giá Bitcoin hiện vào khoảng 41.989 USD, giảm khoảng 40% kể từ đỉnh lịch sử gần 69.000 USD vào tháng 11/2021. Ether, đồng tiền mã hóa lớn thứ hai theo vốn hóa, cũng mất 35% kể từ đỉnh tháng 11.
Noelle Acheson, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại Genesis Global Trading cho rằng sự sụt giảm của Bitcoin "có vẻ được thúc đẩy bởi những nhà giao dịch ngắn hạn và nhà đầu tư coi Bitcoin là tài sản rủi ro. Những người này có xu hướng thanh lý vị thế để giảm rủi ro cho danh mục. Ngoài ra, việc thanh lý các vị thế có sử dụng chứng khoán phái sinh cũng góp phần kéo thị trường đi xuống".
Sự suy yếu của cổ phiếu công nghệ và tiền mã hóa là cú đánh kép vào các quỹ ETF tập trung vào cả hai ngành, tiêu biểu là Global X Fintech. Quỹ ETF này đã rớt 30% sau khi leo lên đỉnh vào tháng 10/2021.
Trong khi đó, chỉ số công nghệ Hang Seng đã lao dốc khoảng 50% kể từ đỉnh thiết lập đầu 2021, sau khi liên hoàn chính sách của Bắc Kinh và lo ngại về “bong bóng” bất động sản đè nặng lên cổ phiếu Trung Quốc.
Hàng hóa cũng chịu áp lực giảm giá. Sau khi palladium tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 5, kim loại này đã giảm khoảng 35%.
“Những gì chúng ta đã thấy trong quá khứ khi lãi suất tăng do kỳ vọng tăng lãi suất của Fed, có vẻ như cổ phiếu công nghệ và một số mô hình cổ phiếu tăng trưởng bị ảnh hưởng nhiều hơn về mặt định giá”, Jerry Braakman, Giám đốc đầu tư kiêm Chủ tịch của First American Trust cho biết.