Mới đây, CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát (Đầu tư An Phát) vừa thông báo đã mua vào 41,7 triệu cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà – Sudico (HOSE: SJS), thuộc sở hữu của Tổng công ty Sông Đà (UPCoM: SJG).
Mới đây, CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát (Đầu tư An Phát) vừa thông báo đã mua vào 41,7 triệu cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà – Sudico (HOSE: SJS), thuộc sở hữu của Tổng công ty Sông Đà (UPCoM: SJG).
An Phát chi 4.200 tỷ đồng mua cổ phần Sudico từ tay Sông Đà
Trong ngày 27/4/2022, Công ty An Phát đã thực hiện mua hơn 41,7 triệu cổ phiếu SJS, tương ứng 36,65% vốn điều lệ của Sudico. Trước đó, nhà đầu tư này không sở hữu bất kỳ cổ phiếu SJS nào.
Đáng chú ý, số cổ phiếu SJS mà An Phát mua vào tương đương với lô cổ phần Sudico mà Tổng Công ty Sông Đà (SJG) đem bán đấu giá hôm 5/4/2022.
Kết quả đấu giá cho thấy, có một nhà đầu tư tổ chức đã trúng đấu giá cả lô 41,7 triệu cổ phiếu SJS với mức giá đấu thành công bình quân là 102.000 đồng/cp, tương đương 4.258 tỷ đồng.
Về Sudico, đây là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Tổng công ty Sông Đà, được thành lập vào ngày 12/9/2001. Đến năm 2003, Sudico chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Trải qua nhiều đợt tăng vốn, hiện vốn điều lệ của Sudico đã vượt ngưỡng 1.148 tỷ đồng.
Từng được biết đến là “ông lớn” trên thị trường bất động sản, Sudico nổi danh với những dự án lớn trên khắp cả nước như: Dự án khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng (tổng diện tích 280ha), dự án khu nhà ở Văn La – Văn Khê (12ha), dự án khách sạn Sông Đà – Hạ Long; dự án Khu dân cư Long Tân – Nhơn Trạch – Đồng Nai (65ha); dự án Hòa Hải – Đà Nẵng (12ha), dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà Ngọc Vừng (39ha)… Tuy nhiên, một số dự án trong số này đã gặp những vướng mắc pháp lý.
Thời gian gần đây, Sudico không có tiền trả cổ tức, phải khất nợ. Tại thời điểm ngày 31/12/2021, Sudico có tổng tài sản hơn 6.900 tỷ đồng, chiếm phần lớn là là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại 2 dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh (3.538 tỷ) và Khu đô thị mới Hòa Hải – Đà Nẵng (1.164 tỷ).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, Sudico ghi nhận doanh thu thuần 192 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng, giảm 53%. So với kế hoạch kinh doanh là 951 tỷ đồng doanh thu và 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Sudico mới chỉ thực hiện lần lượt 20% và 9% hai chỉ tiêu quan trọng nhất này.
Tiềm lực An Phát mạnh cỡ nào?
Theo tìm hiểu, An Phát được thành lập vào tháng 12/2016 và có sở chính tại một toà nhà trên phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Thời điểm ban đầu, doanh nghiệp xây dựng này có vốn điều lệ 40 tỷ đồng. Đến giữa tháng 2/2017, Công ty An Phát tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: ông Quách Đức Sơn (góp 110,4 tỷ đồng, sở hữu 92% VĐL); bà Mạc Thị Luận và bà Võ Thị Thanh Trà, mỗi người góp 4,8 tỷ đồng, sở hữu 4% vốn điều lệ.
Đến cuối tháng 9/2021, An Phát tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ gấp 15 lần, lên mức 1.800 tỷ đồng. Vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật công ty cũng được chuyển giao từ ông Quách Đức Sơn (SN 1980) sang cho ông Phạm Thành Huy (SN 1977) đảm nhiệm.
Ngoài An Phát, ông Phạm Thành Huy hiện còn là người đại diện theo pháp luật của CTCP Mặt trời Sông Hồng, pháp nhân có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Sông Hồng tại các xã Mê Linh, Tiền Phong, Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội với quy mô hơn 44ha.
Đến tháng 6/2016, ông Nguyễn Văn Niên – nhà sáng lập CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô - cùng hai cổ đông khác, đã triệt thoái vốn khỏi CTCP Mặt trời Sông Hồng. Doanh nghiệp này sau đó tăng vốn điều lệ lên 350 tỉ đồng vào tháng 1/2017, rồi tăng lên mức 700 tỉ đồng vào tháng 5/2020.
Giai đoạn 2019 – 2020, CTCP Mặt trời Sông Hồng nhiều lần đem các tài sản liên quan đến dự án Khu đô thị mới Sông Hồng (Mê Linh, Hà Nội) thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – Mã chứng khoán: VAB).
Trong khi đó, ông Phạm Thành Huy cũng đem lượng lớn cổ phần CTCP Mặt trời Sông Hồng thế chấp tại nhà băng này. Nên biết, VAB hiện cũng là chủ nợ lớn nhất của SJS.