Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã ban hành Quyết định số 233/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Thiếu Sơn, người có liên quan của ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank.
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã ban hành Quyết định số 233/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Thiếu Sơn, người có liên quan của ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank.
Ông Lê Thiếu Sơn bị phạt tiền 20 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.
Cụ thể, ngày 2/2/2021, ông Sơn bán 10.000 cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (tương ứng 100 triệu đồng tính theo mệnh giá cổ phiếu VPB) và bán 10.600 cổ phiếu VPB (tương ứng 106 triệu đồng tính theo mệnh giá cổ phiếu VPB) vào ngày 3/3/2021, nhưng không công bố thông tin về dự kiến giao dịch.
Ông Lê Thiếu Sơn là anh rể của ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank.
Cách đây 2 tháng, một người anh rể khác của ông Dũng là Trần Ngọc Bê cũng bị phạt gần 1 tỷ đồng với hành vi “mua bán chui” cổ phiếu VPB, nhưng ở quy mô lớn hơn với hàng triệu cổ phiếu mỗi lần giao dịch. Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 4 tháng.
Trước đây, những người như ông Lê Thiếu Sơn không có nghĩa vụ phải đăng ký và công bố giao dịch.
Tuy nhiên, các quy định mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) đã mở rộng định nghĩa của người nội bộ hoặc có liên quan trong đó có bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của cá nhân; Doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân sở hữu trên 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết hoặc vốn góp của doanh nghiệp đó; Doanh nghiệp trong đó cá nhân, công ty, tổ chức là người nội bộ, người có liên quan có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của công ty.
=> Xem thêm: Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp thao túng, làm giá cổ phiếu
Trước đó, ngày 30/8, Ủy ban Chứng khoán cũng đã xử phạt hành chính ông Lê Mạnh Thường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) và bà Phạm Thị Phương. Mỗi người bị phạt 600 triệu đồng do hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM.
Hai cá nhân này đã sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu FTM.
Mã FTM từng gây rúng động thị trường với chuỗi hàng chục phiên tăng nóng, giảm sâu liên tiếp. Cụ thể, giao dịch ở vùng giá 24.000 - 25.000 đồng vào giữa năm 2019, nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, thị giá cổ phiếu FTM giảm về dưới 4.000 đồng sau hơn 20 phiên nằm sàn liên tiếp. Mặt bằng giá “trà đá” này được duy trì nhiều phiên sau đó. Chốt phiên 13/9, cổ phiếu FTM đứng mức 3.290 đồng/cổ phiếu và vẫn nằm trong diện bị kiểm soát.