Ba Lan vừa đề xuất với Liên minh châu Âu về việc áp đặt lệnh cấm hoàn toàn thương mại với Nga, đồng thời thúc giục các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.
Ba Lan vừa đề xuất với Liên minh châu Âu về việc áp đặt lệnh cấm hoàn toàn thương mại với Nga, đồng thời thúc giục các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, đề xuất của Ba Lan chỉ mới phù hợp với Ba Lan và sẽ rất khó được EU thông qua.
Theo Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, việc cắt đứt hoàn toàn hoạt động thương mại của Nga sẽ làm tăng áp lực lên Nga để cân nhắc xem liệu có nên dừng cuộc chiến tàn khốc này hay không. Ba Lan đang đề xuất đưa lệnh phong tỏa thương mại vào gói trừng phạt càng sớm càng tốt. Bởi đây là vấn đề liên quan đến cái chết của hàng trăm nghìn người. Nó không chỉ liên quan đến Ukraine mà còn là an ninh của NATO. Thủ tướng Ba Lan cũng cảnh báo rằng, nếu không thể hiện sức mạnh và quyết tâm, EU có thể sẽ phải trả giá cao hơn trong thời gian tới.
Trong một động thái ủng hộ, Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết, Séc luôn thực thi các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất có thể đối với Nga và sẽ tiếp tục làm như vậy. Các biện pháp cụ thể tiếp theo sẽ được lãnh đạo các nước thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu vào tuần tới. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích ở Séc, đề xuất của Ba Lan sẽ rất khó được thông qua.
Nhà kinh tế của Khoa Kinh tế tại Đại học Kinh tế Praha Petr Barton cho rằng, việc Ba Lan kêu gọi tẩy chay thương mại chủ yếu là vấn đề tiếp tục mua khí đốt và dầu mỏ. Quan điểm của Ba Lan là hoàn toàn rõ ràng và đúng đắn theo quan điểm của Ba Lan vì nước này vẫn có phần lớn nguồn năng lượng từ than đá.
Theo ông Barton, đây là những mặt hàng duy nhất có cơ hội giáng một đòn kinh tế cơ bản hơn vào Nga. Tuy nhiên, việc cố gắng phá vỡ hoạt động thực tế của nền kinh tế Nga bằng một cuộc tẩy chay hoàn toàn là một dự án sẽ mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Bởi những gì Nga không mua từ châu Âu, vẫn có thể mua từ nơi khác nếu có ngoại hối phương Tây.
Nhà phân tích Radim Dohnal tại Capitalinked.com cho rằng lệnh cấm hoàn toàn thương mại với Nga sẽ là đúng đắn về mặt chiến lược chính trị và chiến tranh nhưng các quốc gia phụ thuộc vào khí đốt Nga sẽ đặc biệt phản đối. Nếu việc chấm dứt hoạt động kinh doanh như vậy được áp dụng, điều đó có nghĩa là nhiều nhà máy sẽ phải ngừng sản xuất. Bởi khi đó các công ty sẽ không còn nguyên liệu để sản xuất ô tô, tấm làm cửa sổ và mái nhà hoặc phân bón. Từ quan điểm kinh tế vĩ mô, nó sẽ có thể là một đòn trừng phạt nặng đối với Nga nhưng các công ty này có thể phải nhận những rủi ro mà họ không thể lường hết được.
Trong khi đó, nhà phân tích Vit Hradil cảnh báo rằng lệnh phong tỏa thương mại đã là một công cụ của một cuộc chiến kinh tế mở và không thể tiến xa hơn nếu không sử dụng vũ khí. Theo ông Hradil, bước đi này chắc chắn sẽ tàn phá trực tiếp và nhanh chóng nền kinh tế Nga nhưng cũng mang lại suy thoái mạnh mẽ cho châu Âu.
Các nước phương Tây hiện đang đáp trả Nga bằng các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với cuộc tấn công của quân đội vào Ukraine. Hồi đầu tuần này, EU đã nhất trí thông qua gói trừng phạt thứ tư chống lại Nga bao gồm lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, xuất khẩu hàng hóa xa xỉ và nhập khẩu sản phẩm thép từ Nga. Cũng trong gói trừng phạt này, EU sẽ đóng băng tài sản của nhiều cá nhân, thực thể Nga.