Giá vàng đã khép lại tuần làm việc với mức giảm mạnh nhất trong bốn tháng qua, trước những tiến triển tại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ quyết định tăng lãi suất của Mỹ.
Giá vàng đã khép lại tuần làm việc với mức giảm mạnh nhất trong bốn tháng qua, trước những tiến triển tại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ quyết định tăng lãi suất của Mỹ.
Trái với những tuần trước, tuần làm việc vừa qua, giá vàng thế giới đã chịu tác động giảm mạnh, với 4 phiên đi xuống và chỉ 1 phiên tăng. Tính trong tuần này, giá vàng thế giới đã giảm tổng cộng 69,2 USD, tương đương gần 3,5%.
Theo đó, trong phiên đầu tuần 14/3, giá vàng giao tháng Tư giảm 24,2 USD (1,22%) xuống 1.960,8 USD/ounce, nhờ cú sốc ban đầu từ xung đột Nga-Ukraine đang giảm dần khi các quan chức hai nước bắt đầu vòng hòa đàm thứ tư.
Trong những ngày tiếp theo giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống. Theo các chuyên gia phân tích, các cuộc đàm phán hòa bình giữ Ukraine và Nga có những tín hiệu tích cực đã khiến tâm lý chấp nhận rủi ro cải thiện, thị trường chứng khoán tăng và làm sụt giảm thị trường kim loại.
Bước sang ngày 17/3, giá vàng đã bật tăng trở lại do đồng đô la Mỹ suy yếu và người dân Nga đổ xô mua kim loại quý do phương Tây trừng phạt tài chính nước này vì xung đột quan sự với Ukraine.
Bước vào ngày cuối tuần, giá vàng thế giới đã đảo chiều đi xuống sau thông tin Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Ủy ban Thị trường Mở liên bang Mỹ cho biết, Fed quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản.
FED cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt nâng lãi suất nữa, từ nay tới cuối năm, và dự kiến lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm nay. Giá USD áp sát mức đỉnh cao nhất trong 5 năm so với đồng yên.
Bất chấp những rủi ro từ xung đột ở Ukraine, Fed vẫn dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ đạt được mức tăng trưởng vững chắc nhờ vào chính sách tiền tệ thắt chặt. Cơ quan này dự báo, tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt mức 2,8% trong năm nay.
Chủ tịch Fed cũng nhấn mạnh, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ có những tác động mạnh lên nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, nó có thể làm tăng nguy cơ gia tăng lạm phát. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Fed đã điều chỉnh dự báo lạm phát trong năm nay lên 4,3% từ mức dự báo trong tháng 12 là 2,6%.
Chốt phiên làm việc cuối tuần, giá vàng giao ngay tại thị trường New York đang giữ ở mức 1.922,90 USD/ounce.
Theo nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA, chính sách tiền tệ hạn chế, rủi ro lạm phát vẫn còn và diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine vẫn sẽ là những lý do khiến các nhà đầu tư cẩn trọng và mua vàng.
Áp lực đối với vàng vẫn khá cao khi mà đồng USD tăng giá. Xu hướng hiện tại theo hướng lợi suất vẫn sẽ tăng cao và vàng khó có cơ hội đảo ngược. Trong ngắn hạn, vàng chịu áp lực chốt lời và sự ổn định trở lại trên thị trường tài chính và hàng hóa thế giới.
Đưa ra dự báo về giá vàng tuần tới trong các cuộc khảo sát do Kitco thực hiện, giới phân tích và nhà đầu tư đều kỳ vọng đà tăng sẽ trở lại.
Theo đó, tại cuộc khảo sát ở Phố Wall, có 16 chuyên gia phân tích tham gia trả lời, trong đó 56% ý kiến cho rằng giá vàng sẽ tăng, 25% nói giá vàng giảm và số còn lại dự báo giá vàng đi ngang.
Tương tự, tại cuộc khảo sát trực tuyến ở Main Street, có 822 nhà đầu tư tham gia trả lời, trong đó cũng tới 68% ý kiến nhận định giá vàng sẽ tăng, 18% nói giá vàng giảm và số còn lại dự đoán giá vàng đi ngang.
Chịu tác động trực tiếp từ giá vàng thế giới, giá vàng SJC cũng được các doanh nghiệp trong nước giảm sâu. Hiện giá kim loại quý này đang niêm yết ở mức dưới 69 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại thời điểm trưa ngày ngày (20/3), giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,8 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra là 68,92 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 67,7 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra ở mức 68,9 triệu đồng/lượng.