Nhiều đối tượng sử dụng thông tin giả để kinh doanh hàng lậu qua mạng 

Thứ tư, 20/01/2021 | 15:35 Theo dõi CFĐT trên
Dùng thông tin giả để kinh doanh hàng lậu trên mạng đang diễn ra khá phổ biến
Dùng thông tin giả để kinh doanh hàng lậu trên mạng đang diễn ra khá phổ biến

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2021. Năm 2020 vừa qua, Cục QLTT TP. HCM đã xử lí tổng cộng 2.735 vụ vi phạm, giảm 1.954 vụ so với năm ngoái. Số tiền thu phạt nộp cho ngân sách nhà nước đạt hơn 58 tỷ đồng, giảm khoảng 48,32% so với năm 2019.

Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. HCM, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, việc buôn lậu, gian lận thương mại đặc biệt là kinh doanh, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn đang diễn biến phức tạp.

Trong quá trình đấu tranh chống hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các đối tượng sản xuất hàng giả thường lợi dụng công nghệ để sản xuất các loại hàng giả cao cấp nên vô cùng khó phân biệt.

Mặt khác, các đối tượng tiến hành giao dịch và mua bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), website tự lập, zalo, facebook, youtube...nhưng lại không đăng kí thông tin chính xác làm cho các hoạt động kinh doanh hàng lậu, hàng giả thêm phức tạp.

Theo ông Đạt, việc tạo một tài khoản dùng thông tin giả để bán hàng trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến là vô cùng dễ dàng và rất phổ biến, khó để xác định đối tượng, nơi chứa trữ hàng hoá vi phạm để kiểm tra xử lý.

Ngoài ra, việc giao dịch qua điện thoại, tin nhắn trên môi trường internet và giao nhận hàng hoá thông qua dịch vụ giao nhận là phổ biến, số lượng lại ít, rất cơ động khiến cho QLTT cũng khó mà phát hiện.

Hoặc khi phát hiện, tiến hành kiểm tra xử lý, đối tượng lại cho rằng họ không hề thiết lập website TMĐT, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng vi phạm mà có người nào khác giả mạo thông tin của mình.

Riêng đối với các chủ sàn TMĐT có thể căn cứ theo quy định để đề nghị cung cấp danh sách, thông tin tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên, địa chỉ thường trú của cá nhân có kinh doanh sản phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên sàn để có căn cứ tiến hành thẩm tra…

Tuy nhiên, những trường hợp này cũng gây nhiều khó khăn do các tổ chức hay cá nhân khi đăng kí với chủ sàn giao dịch TMĐT thường điền thông tin không đúng sự thật.

"Chưa có những quy định về chế tài xử phạt đối với các trang mạng xã hội hiện đang hoạt động trên nền tảng di động có nhiều người tham gia mua bán trực tuyến. Hoặc nếu có thì các trang mạng xã hội, người kinh doanh là các tổ chức cá nhân nước ngoài lại không có đại diện tại Việt Nam nên không biết phải xử phạt như thế nào”, ông Đạt nói.

Ông Đạt cho rằng, để có thể triệt để giải quyết những khó khăn trên, Cục QLTT TP. HCM kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm hoàn thiện trình Chính phủ để ban hành nghị định thay thế hoặc sửa đổi bổ sung đối với nghị định 52/2013-NĐ-CP về TMĐT được sửa đổi bổ sung tại nghị định 08/2018-NĐ-CP.

Kỳ Duyên
Cafe Khởi nghiệp