Một trong những vấn đề nổi cộm trong ngành công nghiệp đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.
Một trong những vấn đề nổi cộm trong ngành công nghiệp đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.
Sáng 22/7/2021, Lãnh đạo Cục Công nghiệp đã gặp và làm việc trực tuyến với 11 Hiệp hội các ngành hàng công nghiệp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và những khó khăn cần tháo gỡ trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn ra phức tạp tại các tỉnh thành trên cả nước.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, nhìn chung, trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp công nghiệp đã quay trở lại nhịp độ sản xuất kinh doanh như trước và kỳ vọng năm 2021 sẽ đạt mức tương đương thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến chế tạo, đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu. Nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, khách hàng sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.
Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề nổi cộm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương. Đặc trưng của ngành công nghiệp đó là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hoá.
Chẳng hạn, đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đó đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, thủ tục khai báo hải quan và tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển là những điểm nghẽn cần được giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Trước những khó khăn nêu trên, các Hiệp hội ngành hàng đều thống nhất đề xuất một số giải pháp dưới đây nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp:
Thứ nhất, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vắc xin (có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí) nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa…và các nguyên liệu, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến chế tạo là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho quá trình lưu thông hàng hoá;
Thứ ba, áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng nhưng vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm do nghỉ dịch lâu nên khi quay lại sản xuất, các doanh nghiệp phải làm tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng;
Thứ tư, nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh, và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, các tỉnh nên xem xét lùi thời điểm tăng giá thuê đất phục vụ sản xuất, kinh doanh; Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian ân hạn giãn, hoãn nộp thuế, phí tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ xấu; xem xét duy trì các giải pháp đã áp dụng trước đây như giảm phí trước bạ… nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước; các tổ chức tài chính xem xét tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp;
Thứ năm, các địa phương nên trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng cát cứ gây ách tắc lưu thông hàng hoá, gián đoạn chuỗi sản xuất; cho phép các doanh nghiệp sớm được quay trở lại sản xuất khi các điều kiện phòng chống dịch bệnh được đảm bảo; gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR;
Thứ sáu, bên cạnh giải pháp “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm”, cần có những biện pháp thay thế linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, trên cơ sở đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất đủ điều kiện về phòng chống dịch và an toàn cho người lao động.