Các doanh nghiệp Trung Quốc đang ráo riết mua lại đất đai ở nước ngoài. Hơn 6,5 triệu hecta đất đã được các doanh nghiệp Trung Quốc thu mua trên toàn cầu trong vòng 10 năm qua.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang ráo riết mua lại đất đai ở nước ngoài. Hơn 6,5 triệu hecta đất đã được các doanh nghiệp Trung Quốc thu mua trên toàn cầu trong vòng 10 năm qua.
Theo đó, tổng diện đất được các doanh nghiệp này mua hoặc thuê trong 10 năm qua bằng tổng diện tích đất của Sri Lanka hoặc Lithuania và lớn hơn nhiều so với những gì mà các doanh nghiệp của Mỹ và các quốc gia lớn khác thuê hoặc mua được.
Theo tổ chức giám sát đất đai ở châu Âu Land Matrix, các công ty Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát 6,48 triệu ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và khai thác mỏ trên khắp thế giới từ năm 2011 đến năm 2020.
Con số này cao hơn rất nhiều mức 1,56 triệu ha mà doanh nghiệp Anh kiểm soát, 860.000 ha của doanh nghiệp Mỹ và 420.000 ha của doanh nghiệp Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy nhanh hoạt động mua đất ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng theo đà phát triển kinh tế. Khi mua đất ở nước ngoài, các doanh nghiệp này có thể tiếp cận ổn định với nguồn tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới bị thắt chặt.
Cộng hòa Dân chủ Congo là một ví dụ. Phần lớn đất đai của quốc gia Trung Phi này là rừng. Trong bối cảnh giá gỗ tăng mạnh, công ty Wan Peng của Trung Quốc đã mua một phần diện tích rừng tại đây và vận chuyển một số lượng lớn sản phẩm gỗ về Trung Quốc.
Viện nghiên cứu chính sách công của doanh nghiệp Mỹ (AEIPPR) cho biết, doanh nghiệp Trung Quốc cũng mua nhiều mỏ khoáng sản. Điển hình, Công ty China Minmetals đã đầu tư 280 triệu USD vào quốc gia Tanzania ở phía Nam châu Phi hồi năm 2019. Hãng China Non-Ferrous Metal Mining cũng rót 730 triệu USD vào hoạt động khai thác mỏ ở Guinea trong năm 2020.
Các khoản đầu tư này được cho là nhằm giúp doanh nghiệp Trung Quốc đạt được quyền tiếp cận nguồn khoáng sản cùng nhiều thứ khác của hai quốc gia trên để phục vụ hoạt động sản xuất pin xe điện.
Trong quá trình thúc đẩy phát triển, các quốc gia chủ nhà sẽ dần mắc nợ lớn với Trung Quốc và sau đó sẽ không thể thoát khỏi sự kiểm soát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo một số chuyên gia, các quốc gia nên điều chỉnh việc doanh nghiệp nước ngoài thu mua đất đai, nhằm ngăn ngừa nguy cơ chảy máu tài nguyên thiên nhiên. Giới chuyên gia cũng cảnh báo các quốc gia chấp nhận đầu tư của Trung Quốc đối mặt với nguy cơ phụ thuộc vào nước này.
Một số quốc gia đã đưa ra các biện pháp đối phó với động thái thâu tóm đất ở nước ngoài. Vào tháng 6 vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành một đạo luật mới nhằm thắt chặt các quy định về thâu tóm và sử dụng đất ở những nơi được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.