Theo giới phân tích, trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga-Ukraine vẫn có những diễn biến phức tạp, giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao do đây được xem là kênh đầu tư an toàn cho giới đầu tư tìm đến.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga-Ukraine vẫn có những diễn biến phức tạp, giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao do đây được xem là kênh đầu tư an toàn cho giới đầu tư tìm đến.
Khép lại tuần giao dịch vừa qua, giá vàng thế giới tiếp tục có thêm một tuần tăng giá do giới đầu tư lo lắng về những diễn biến mới xung quanh xung đột Nga – Ukraine.
Tính chung cả tuần, thị trường vàng thế giới đã có 4 phiên tăng giá và 2 phiên giảm giá. Cụ thể, trong 3 phiên đầu tuần (từ 7 – 9/3) giá vàng liên tục được điều chỉnh theo xu hướng đi lên, trong bối cảnh nước Mỹ sắp cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga bất chấp việc các đồng minh châu Âu sẽ không cùng tham gia.
Các chuyên gia cho rằng, căng thẳng chính trị ở Ukraine và các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga khiến vàng tỏa sáng. Do lo ngại, giới đầu tư đang coi vàng như là một hàng rào chống lại các rủi ro và lạm phát.
Bước sang ngày 10/3, giá vàng lại đảo chiều đi xuống do giới đầu tư chốt lời sau khi giá vàng tương lai đạt mức kỷ lục. Bên cạnh đó, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, tâm lý đang bắt đầu thay đổi khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng ông có thể sẽ thay đổi quan điểm của mình về nỗ lực gia nhập NATO của nước này. Đây được đánh giá là một động thái sẽ góp phần xoa dịu căng thẳng.
Trong phiên 11/3, giá vàng lại bật tăng trở lại. Các chuyên gia nhận định, lạm phát tại các quốc gia có nền kinh tế lớn tăng cao, các cuộc đàm phán về xung đột quân sự Ukraine – Nga không mang lại kết quả tích cực là các yếu tố chính làm giá vàng bật tăng.
Chốt phiên làm việc cuối tuần, giá vàng lại đảo chiều chiều đi xuống trong bối cảnh các nhà đầu tư hiện kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng mục tiêu lãi suất lên mức từ 1,75% đến 2% vào cuối năm nay, cao hơn 0,25 điểm phần trăm so với dự kiến của họ vào tuần trước.
Thị trường đang chờ đợi quyết định từ kỳ họp chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tuần tới, và nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất từ tháng 3. Đây được coi là động thái duy trì quan điểm trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng.
Chốt phiên làm việc tại thị trường New York, giá vàng giao ngay đã giữ ở mức 1.992,10 USD/ounce, giảm 6,10 USD/ounce, tương đương 0,31%.
Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank nhận định, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ cho triển vọng tăng giá của các kim loại quý. Sự tăng giá này không chỉ do nhu cầu nắm giữ các tài sản an toàn, một nhu cầu lúc tăng lúc giảm, mà quan trọng hơn xuất phát từ mối lo rằng căng thẳng địa chính trị sẽ đẩy cao lạm phát, kéo lùi tăng trưởng, và làm suy yếu kỳ vọng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Bức tranh vĩ mô đang tạo điều kiện cho giá vàng đạt mốc 2.000 USD/ounce, trong bối cảnh giá của các hàng hoá cơ bản khác, bao gồm dầu thô, palladium, nickel, lúa mì và ngô đồng loạt tăng vọt.
Đưa ra nhận định về giá vàng tuần tới, phần lớn các nhà chuyên gia và đầu tư của Kitco News vẫn đánh giá kim loại quý này sẽ tiếp tục tăng (mặc dù con số đưa ra nhận định này không được nhiều như tuần trước).
Cụ thể, tỷ lệ chuyên gia nhận định giá vàng đi lên tuần tới là 44%; Tỷ lệ chuyên gia dự đoán giá vàng giảm 17% và tỷ lệ giữ quan điểm trung lập tăng vọt lên 39%. Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến trên thị trường, tỷ lệ nhà đầu tư ủng hộ giá vàng tăng là 70%; Tỷ lệ dự đoán giá vàng giảm là 22%; Còn lại tỷ lệ cho rằng giá vàng đi ngang là 15%.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước tuần qua cũng tăng mạnh mẽ, có thời điểm vượt lên mức cao của mọi thời đại trên 74 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến phiên cuối tuần, giá kim loại quý này đã rơi xuống mức dưới 70 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 10h sáng nay (12/3), giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra là 69,82 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 67,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra ở mức 69,3 triệu đồng/lượng.