Về Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (Đề án), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại các văn bản nêu trên, hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ.
Về các kiến nghị khác của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương xem xét, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2018/NĐ-CP ngày 16/01/2018 để bổ sung ngành, nghề kinh doanh quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (giữ nguyên quy định tại Điều 61, Điều 62 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 11/2018/NĐ-CP); xem xét, xử lý kiến nghị về việc phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội.
Bộ Tài chính xem xét, xử lý các kiến nghị về việc: Mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp liên quan đến chạy tàu; giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; cho phép các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa các công ty vận tải đường sắt; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất của các doanh nghiệp vận tải đường sắt.
Bộ Công Thương xem xét, xử lý kiến nghị về việc bổ sung các sản phẩm lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về việc ưu đãi, hỗ trợ trong việc sử dụng đất dành cho đường sắt quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt và bổ sung quy định này trong Luật Đất đai sửa đổi.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, xử lý kiến nghị về việc giãn tiến độ trả nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng cho các dự án đầu tư của các công ty vận tải đường sắt.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, xử lý kiến nghị về việc cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các chính sách hỗ trợ người lao động.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua thực hiện bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải đường sắt theo đúng quy định.
Lỗ hơn 2.200 tỷ đồng
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có kiến nghị cấp thẩm quyền xin vay 800 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị thiếu hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động.
Nguyên nhân được VNR đưa ra là do 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, tổng công ty dự kiến lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, như vậy chỉ còn khoảng gần 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhưng lại ở tài sản, không phải tiền mặt. Riêng năm 2021, VNR dự kiến lỗ 942 tỷ đồng.
Thống kê của VNR cho thấy, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, ngành đường sắt có hơn 5.500 lượt người lao động phải nghỉ việc đến từ các công ty vận tải đường sắt do tàu khách dừng chạy hoàn toàn từ 25/8 trên toàn mạng lưới; tàu hàng Bắc-Nam bắt đầu giảm sút.
Chỉ tính riêng tháng 9/2021, do không có mác tàu khách vận hành, Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội đã phải thỏa thuận tạm hoãn với hơn 690/769 cán bộ công nhân viên. Ngay cả Phó giám đốc đơn vị cũng phải tạm hoãn hợp đồng lao động luân phiên.
Cục Đường sắt Việt Nam hồi tháng 7 cũng có văn bản báo cáo Bộ GTVT, đề xuất cơ chế chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, thúc đẩy sản xuất kinh doanh lĩnh vực vận tải đường sắt.
Một trong những nội dung đáng chú ý là Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và phê duyệt phương án thoái vốn của các đơn vị thành viên trực thuộc để đơn vị này có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Cục Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Thông tư 12/2021 của Bộ Tài chính cho các năm tiếp theo. Cụ thể mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được xác định là 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, thay vì 8% như trước.