Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HOSE: HVN) bị Deloitte - một công ty kiểm toán - đặt câu hỏi về khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 36.400 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 4.897 tỷ đồng.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HOSE: HVN) bị Deloitte - một công ty kiểm toán - đặt câu hỏi về khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 36.400 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 4.897 tỷ đồng.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu 2022 đã soát xét, trong đó có ý kiến của đơn vị kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán không có nhiều thay đổi về chỉ tiêu tài chính và kết quả kinh doanh so với báo cáo tài chính Vietnam Airlines tự lập trước đó.
Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam cho biết tại ngày 30/6/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn là 14.858 tỷ đồng.
Trước đó, lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của hãng bay này cũng được Deloitte Việt Nam đưa ra tại báo cáo kiểm toán năm 2021.
Nửa đầu năm nay, hãng đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ, cao gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu tăng cao và nhiều đường bay quốc tế chưa được mở lại, Vietnam Airlines vẫn lỗ khoảng 5.100 tỷ, giảm hơn 3.000 tỷ so với kỳ này năm ngoái. Luỹ kế đến 30/6, hãng hàng không quốc gia lỗ khoảng 28.900 tỷ đồng.
“Khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê”, Deloitte Việt Nam cho hay.
Xem thêm: SAM Holdings ghi nhận dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm nặng
Đơn vị kiểm toán nhận thấy “sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục" của Vietnam Airlines.
Ngoài ra, Deloitte Việt Nam cũng chỉ ra là Vietnam Airlines vẫn áp dụng cách tính và ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí phân bổ tiền sửa chữa bảo dưỡng của các máy bay và động cơ cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2022 theo các hướng dẫn kế toán riêng mà các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt áp dụng cho các năm 2020 và 2021.Việc sử dụng phương pháp khấu hao theo mức độ sử dụng tài sản thực tế đã giúp Vietnam Airlines giảm chi phí và bớt thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong các năm 2020 và 2021. Nếu không được tiếp tục áp dụng chính sách kế toán này trong năm 2022, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines sẽ bị ảnh hưởng.
Tại ngày lập báo cáo soát xét, Vietnam Airlines đã trình các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục được áp dụng hướng dẫn kế toán riêng cho các khoản mục này cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 và đang chờ phê duyệt chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền.
Để đối phó với khó khăn hiện tại, HĐQT và ban giám đốc Vietnam Airlines thường xuyên đánh giá ảnh hưởng và triển khai các giải pháp đối phó khủng hoảng. Về nguồn vốn, hãng đã ký hợp đồng vay và được giải ngân 4.000 tỷ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024.
Ngoài ra, công ty đang đàm phán thêm với các ngân hàng để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Đến giữa năm, tổng hạn mức Vietnam Airlines đã ký với các nhà băng khoảng hơn 18.500 tỷ đồng, trong đó phần chưa sử dụng khoảng 10.300 tỷ.
Bên cạnh đó, tổng công ty đã hoàn tất việc phát hành 796,1 triệu cổ phiếu trong năm 2021 và thu về 7.961 tỷ đồng.
Xem thêm: VietinBank: Nợ xấu nhóm 5 tăng gấp đôi, lên gần 12.000 tỷ đồng