Nợ xấu tăng mạnh, nợ có khả năng mất vốn tăng gần gấp đôi nhưng VietBank (Upcom: VBB) lại mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 4/2022. Với động thái này, nhà băng đang đặt mình vào rủi ro tín dụng.
Nợ xấu tăng mạnh, nợ có khả năng mất vốn tăng gần gấp đôi nhưng VietBank (Upcom: VBB) lại mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 4/2022. Với động thái này, nhà băng đang đặt mình vào rủi ro tín dụng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - VBB) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh dù thu nhập tăng.
Cụ thể, trong quý 4/2022, VietBank ghi nhận thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 1.983 tỷ đồng, tăng 186 tỷ đồng, tương đương 10,4% so với quý 4/2021; lũy kế cả năm tăng từ 6.086 tỷ đồng lên 7.109 tỷ đồng.
Thế nhưng, thu nhập lãi thuần quý 4/2022 lại “lao dốc”, giảm 232 tỷ đồng, tương đương 33,2% so với quý 4/2022 xuống 467 tỷ đồng; lũy kế cả năm tăng từ 1.486 tỷ đồng lên 1.802 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do chi phí lãi tăng mạnh 418 tỷ đồng, tương đương 38% lên 1.517 tỷ đồng; lũy kế cả năm tăng từ 4.600 tỷ đồng lên 5.307 tỷ đồng.
Quý 4/2022 là thời điểm hệ thống ngân hàng bước vào “cuộc đua lãi suất huy động” sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành. Đây là động thái đối phó khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất.
VietBank là một trong những đơn vị tăng mạnh lãi suất. Theo biểu lãi suất được ngân hàng niêm yết công khai, tới đầu tháng 12/2022, mức cao nhất tại VietBank là 9,5%/năm, tăng 2,5% so với cuối quý 3/2022.
Với đà tăng mạnh này của lãi suất huy động, VietBank phải dành khoản ngân sách lớn hơn để trả tiền lãi cho người gửi, từ đó khiến chi phí lãi tăng cao.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đều khiến VietBank thua lỗ nhẹ trong quý 4/2022. Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động khác cũng hao hụt nhiều khi giảm 91,6 tỷ đồng, tương đương 53,9% xuống chỉ còn 81,4 tỷ đồng.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 của VietBank chỉ còn 91 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng, tương đương 52,4%; lũy kế cả năm tăng nhẹ từ 507 tỷ đồng lên 517 tỷ đồng.
Trong quý 4/2022, kết quả kinh doanh của VietBank suy giảm khá mạnh. Có thể nói, nếu không nhờ mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nhà băng này có thể đã lỗ.
Trong quý 4/2022, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại VietBank chỉ là 91,9 tỷ đồng, giảm 312 tỷ đồng, tương đương 77,3% so với quý 4/2021; lũy kế cả năm giảm 179 tỷ đồng, tương đương 37,3% xuống 301 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VietBank mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong bối cảnh nợ xấu tăng mạnh, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng gần gấp đôi. Điều này đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của nhà băng này về mức 27%, gần thấp nhất toàn ngành. Mức phòng vệ này được cho là quá thấp và nhiều rủi ro trong bối cảnh nhiều ngân hàng đẩy LLR lên ngưỡng trên 100%.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, nợ xấu cho vay khách hàng tại VietBank lên đến 2.324 tỷ đồng, chiếm 3,65% dư nợ tín dụng. So với thời điểm đầu năm, nợ xấu đã tăng 479 tỷ đồng, tương đương 20,6%.
Tỷ lệ này vượt trung bình ngành, khiến VietBank lọt top những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống.
Trong đó, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng tới 893 tỷ đồng, tương đương 97% so với cuối năm 2021.
Cắt giảm nhân sự
VietBank nằm trong Top cuối trong danh sách các ngân hàng có quy mô nhân sự lớn. Thế nhưng, trong năm 2022, VietBank vẫn thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự. Hồi cuối năm, tổng nhân viên tại VietBank còn lại 2.516 người, giảm 45 người so với cuối năm 2021.
Mặc dù tăng thêm ưu đãi cho người lao động nhưng thu nhập nhân viên tại VietBank vẫn nằm trong mức thấp so với toàn ngành.
Trong năm, VietBank dành 543 tỷ đồng cho lương và phụ cấp. Như vậy, trung bình, mỗi người lao động tại VietBank nhận 216 triệu đồng/người/năm, tương đương 18 triệu đồng/người/tháng. Những con số này trong năm 2021 là 201 triệu đồng/người/năm, tương đương 16,8 triệu đồng/người/tháng.
PV