Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu y tế châu Phi tại Durban, Nam Phi cho biết vắc xin của Pfizer/BioNtech tạo ra ít kháng thể trước biến thể Omicron hơn so với các biến thể Covid-19 trước đây.
Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu y tế châu Phi tại Durban, Nam Phi cho biết vắc xin của Pfizer/BioNtech tạo ra ít kháng thể trước biến thể Omicron hơn so với các biến thể Covid-19 trước đây.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêm mũi thứ 3 vắc xin Pfizer có thể giúp ngăn ngừa biến thể có khả năng lây lan mạnh này.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu y tế châu Phi phát hiện rằng, với Omicron, lượng kháng thể ở người đã tiêm 2 mũi vắc xin Pfizer/BioNTech giảm khoảng 40 lần so với biến thể virus được phát hiện tại Trung Quốc gần 2 năm trước.
Chia sẻ trực tuyến về nghiên cứu trên, ông Alex Signo, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết việc giảm hiệu quả bảo vệ là “rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ”.
“Sẽ có nhiều đột phá hơn nữa về khả năng miễn dịch nhờ vắc xin. Một mũi tăng cường có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là tình trạng bệnh nặng. Do đó, những người chưa tiêm mũi tăng cường thì nên tiêm, còn những người từng nhiễm bệnh trước đó thì nên đi tiêm vắc xin”, ông Sigal nói.
Theo Bloomberg, nghiên cứu này có thể làm "nóng" thêm những tranh cãi về việc liệu có cần tiêm vắc xin riêng nhằm phòng ngừa lây nhiễm biến thể Omicron để tiếp tục phòng chống hiệu quả với dịch bệnh hay không.
Ông Stephen Hoge, Chủ tịch hãng dược Moderna Inc., nhà sản xuất vắc xin có cùng công nghệ mRNA của vắc xin Pfizer/BioNTech, cho rằng các loại vắc xin hiện tại có thể sẽ kém hiệu quả hơn trước biến thể Omicron. Trong khi đó, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci nhận định biến thể mới này có thể ít gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng.
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron tại châu Phi làm dấy lên quan ngại về việc viêm vắc xin hoặc từng khỏi bệnh có thể không đủ để ngăn chặn việc lây nhiễm hoặc tái nhiễm, hoặc có thể tạo ra một làn sóng lây nhiễm mới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo Omicron có thể thổi bùng số ca nhiễm với “hậu quả nghiêm trọng” bởi có các dấu hiệu cho thấy biến thể này dễ lây lan hơn so với những biến thể trước đó.
Dù vậy, đến nay, số ca nhiễm gia tăng do biến thể Omicron tại Nam Phi chưa gây ra tình trạng quá tải, khiến một số người lạc quan rằng biến thể mới chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ.
Theo WHO, kể từ khi Omicron được phát hiện tại Nam Phi hôm 25/11, khoảng 450 nhà nghiên cứu trên toàn cầu đã nỗ lực phân lập biến thể này từ các mẫu bệnh phẩm, sau đó nuôi cấy chúng trong phòng thí nghiệm và xác định trình tự gen, đồng thời xây dựng các phương pháp xét nghiệm biến thể trong huyết tương.
Nghiên cứu của nhóm Sigal tiến hành phân tích 14 mẫu huyết tương được lấy từ các bệnh nhân đã được tiêm mũi vắc xin Pfizer/BioNtech thứ hai khoảng một tháng trước để đánh giá nồng độ các kháng thể cần thiết để vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn virus. Ông Sigal cho biết nồng độ kháng thể trung hòa chống lại Omicron cao hơn đáng kể ở một nhóm nhỏ những người tham gia thí nghiệm đã từng nhiễm Covid khoảng một năm trước đó.
Theo ông John Wherry, Giám đốc viện miễn dịch học tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, điều này có nghĩa mũi vắc xin tăng cường có thể làm tăng nồng độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Omicron. Tuy nhiên, cần có thêm dữ liệu để xác nhận điều này.
Ông Sigal cho biết những phát triển trên mới chỉ là kết quả sơ bộ và mức độ giảm khả năng bảo vệ của vắc xin có thể thay đổi. Nhóm nghiên cứu của ông Sigal cũng là nhóm đầu tiên phân lập biến thể Beta – được phát hiện lần đầu ở Nam Phi vào cuối năm 2020. Ông lưu ý rằng biến thể Omicron “né” được hệ thống kháng thể dễ dàng hơn so với Beta – biến thể vốn được xem là loại "trốn" miễn dịch tốt nhất trong nhóm biến thể cần quan tâm từng được phát hiện trước đây.