Đồng bạc xanh vẫn là đồng tiền hàng đầu cho thương mại và dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng thúc đẩy đồng nhân dân tệ như một loại tiền tệ cho các giao dịch dầu mỏ, thách thức vị trí thống trị của đồng đô la Mỹ trên thị trường hàng hóa.
Ông Viktor Katona - nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler, cho biết: "Đặc biệt, chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine năm ngoái là động lực lớn nhất dẫn đến sự dịch chuyển khỏi đồng đô la”.
Khi các nước phương Tây đóng băng nguồn dự trữ tiền tệ quốc gia của Nga và xa lánh dầu mỏ của nước này, Moscow đã nắm lấy châu Á như một thị trường dầu thô thay thế và năm ngoái đã vượt qua Ả Rập Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc.
Trên thực tế, Nga đã thực sự trở thành "một quốc gia châu Á mà theo tôi đã giúp đưa đồng nhân dân tệ vào giao dịch dầu mỏ quy mô lớn", ông Katona đã nhận định như vậy với tờ Insider.
Và mặc dù những người bảo vệ đồng đô la Mỹ chỉ ra niềm tin và tính thanh khoản rộng rãi của nó, chuyên gia Katona cho rằng, "thật ngây thơ khi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách kiểm soát giá dầu và rằng họ sẽ không muốn thực hiện giao dịch bằng đồng tiền mà họ kiểm soát."
Đó là trường hợp đặc biệt sau chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến đồng đô la Mỹ tăng vọt vào năm ngoái, ông Katona nói thêm. Bởi vì các hợp đồng dầu mỏ phần lớn được định giá bằng đô la Mỹ, đồng bạc xanh tăng giá khiến các hợp đồng dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn.
Và khi các giao dịch dựa trên đồng nhân dân tệ với Nga đang tăng lên, Trung Quốc cũng đang hướng đến Trung Đông để sắp xếp lại thị trường năng lượng.
Trong chuyến công du tới Ả-rập Xê-út hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sử dụng Sàn giao dịch dầu mỏ và khí đốt quốc gia Thượng Hải để thực hiện các giao dịch năng lượng dựa trên đồng nhân dân tệ. Trung Quốc và Ả-rập Xê-út cũng đã ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá hơn 30 tỷ USD trong chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình.
Chuyến công du nói trên đã đánh dấu "sự ra đời của đồng petroyuan (nhân dân tệ dầu mỏ)". Theo một lưu ý gần đây của nhà phân tích Zoltan Pozsar thuộc Credit Suisse, ông này cho rằng Trung Quốc muốn phi đô la hóa nhiều nơi trên thế giới sau khi vị thế thống trị của đồng tiền này được sử dụng để chống lại Nga.
Chuyên gia Pozsar cũng chỉ ra rằng Nga, Iran và Venezuela chiếm 40% trữ lượng dầu của OPEC+ và các nước trong nhóm GCC chiếm 40%.
Đồng petroyuan cuối cùng cũng sẽ phát triển trong khu vực, buộc nhiều quốc gia châu Á phải "xem xét lại thói quen giao dịch của họ", ông Katona của Kpler cho biết thêm.
Ông Katona cũng cho rằng, một trong những nguyên lý trung tâm của chính sách hàng hóa của Trung Quốc là giám sát chặt chẽ ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất về thương mại dầu thô và tiền tệ để có thể giúp họ củng cố sự kiểm soát của nước này đối với thị trường năng lượng.
"Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ các công ty dầu mỏ nhà nước, đưa ra định hướng về số lượng họ có thể xuất khẩu. Trung Quốc cũng áp giá than khi cần thiết, tập trung hóa việc mua quặng sắt khi cảm thấy rằng các công ty của mình đang bị đối xử khác biệt", ông Katona nói thêm.