Số lượng người mua nhà tại Trung Quốc từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp cho những dự án đang dang dở ngày một gia tăng, làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng bất động sản có thể lan rộng sang hệ thống tài chính.
Số lượng người mua nhà tại Trung Quốc từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp cho những dự án đang dang dở ngày một gia tăng, làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng bất động sản có thể lan rộng sang hệ thống tài chính.
Theo nhà nghiên cứu China Real Estate Information Corp (CRIC), người mua nhà đã ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp của ít nhất 100 dự án tại hơn 50 thành phố kể từ hôm thứ Tư vừa qua (ngày 13/7).
Nguyên nhân của động thái trên được cho là do các nhà thầu bàn giao dự án chậm hơn thời hạn dự kiến.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích tại Jefferies Financial Group, bao gồm chiến lược gia Shujin Chen cho biết, con số trên đã tăng vọt so với 28 dự án trong ngày 11/7 và 58 dự án ngày 12/7.
Hiện tượng từ chối thanh toán nợ sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lĩnh vực nhà đất tại Trung Quốc, đồng thời gia tăng nguy cơ phát sinh nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này.
Theo Jefferies, các dự án bị trì hoãn chiếm khoảng 1% tổng dư nợ thế chấp của Trung Quốc. Nếu tất cả người mua vỡ nợ, nợ xấu của các ngân hàng tại nước này sẽ tăng 388 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 58 tỷ USD). Tuy nhiên, Jefferies không đưa ra bất kỳ báo cáo cụ thể nào về số lượng người mua nhà đang “trốn tránh” việc trả nợ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc cũng chứng kiến đà giảm trong những ngày gần đây. Đáng chú ý, tại phiên 14/7, chỉ số CSI 300 Banks có thời điểm đã giảm tới 3,3%.
Xem thêm: Giá thịt lợn tăng, đe dọa mục tiêu lạm phát của Trung Quốc
Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Citigroup Inc cho hay, giá bán bất động sản tại các khu lân cận vào năm 2022 thấp hơn khoảng 15% so với mức giá trong ba năm qua.
Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản Trung Quốc đang tiến tới một giai đoạn mới khi vấn đề thanh khoản đã lan sang các công ty từng được được coi là “khỏe mạnh” trước cơn bão này, bao gồm Country Garden Holdings - tập đoàn xây dựng lớn nhất tính theo doanh số.
Chiến lược gia Shujin Chen nhận định, dù mối nguy đối với hệ thống ngân hàng có thể kiểm soát được nhưng nhiều sự kiện rủi ro vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc, kỳ vọng về thu nhập của người dân giảm sút và doanh số bán nhà tụt dốc.
Các nhà phân tích của Nomura Holdings cho biết, người mua từ chối thanh toán các khoản thế chấp bắt nguồn từ việc nhà thầu rao bán nhà trước khi hoàn thiện.
Hoặc ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, các công ty địa ốc chỉ bàn giao được khoảng 60% số nhà mà họ đã bán từ năm 2013 đến năm 2020, trong khi dư nợ thế chấp tăng 26,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Ông Ting Lu, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của Nomura chia sẻ: “Bán nhà trước khi xây dựng xong tạo ra rủi ro ngày càng lớn cho các nhà phát triển, người mua nhà, hệ thống tài chính và nền kinh tế vĩ mô”.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về tác động tài chính của sự việc lần này. Sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tài chính trong nước sau khi làm náo loạn thị trường trái phiếu đồng USD lợi suất cao ở nước ngoài”.
Xem thêm: Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã bắt đầu hạ nhiệt