Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận đà tăng trước một số thông tin tích cực trong lĩnh vực ngân hàng, giảm thiểu lo ngại về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lên tới 1%.
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận đà tăng trước một số thông tin tích cực trong lĩnh vực ngân hàng, giảm thiểu lo ngại về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lên tới 1%.
Chỉ số Dow Jones tăng 658,09 điểm, tương đương 2,15%, đạt 31.288,26. S&P 500 tăng 1,92% lên 3.863,16 và Nasdaq Composite tăng 1,79% lên 11.452,42.
Tuy nhiên, tính trung bình cả tuần, bất chấp sự phục hồi trong phiên hôm qua, chỉ số Dow giảm gần 0,2% trong khi S&P và Nasdaq lần lượt giảm 0,9% và gần 1,6%. Kết thúc phiên cuối tuần (15/7), chỉ số S&P 500 tụt khoảng 19% so với mức đỉnh hồi đầu năm.
Tại thời điểm đóng cửa phiên hôm qua, tất cả các lĩnh vực chính thuộc chỉ số S&P 500 đều gia tăng. Nhóm ngành tài chính tăng 3,5% nhờ cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tăng khoảng 2,5% sau báo cáo lợi nhuận tích cực từ UnitedHealth.
Tương tự, một số mã cổ phiếu lĩnh vực công nghệ cũng ghi nhận đà tăng mạnh. Cổ phiếu của Meta Platforms, Salesforce và Amazon lần lượt tăng 4,2%, 3,9% và 2,6%. Netflix tăng 8,2%. UnitedHealth, JPMorgan Chase và American Express dẫn đầu đà phục hồi của Dow Jones, lần lượt tăng khoảng 5,4%, 4,6% và 4,4%.
Cổ phiếu của Pinterest tăng phi mã 16,2% sau báo cáo của Wall Street Journal cho biết nhà đầu tư Elliott Management nắm giữ 9% cổ phần của công ty mạng xã hội trên.
Một số ông lớn ngành ngân hàng như Wells Fargo và Citigroup cũng đã công bố báo cáo lợi nhuận ngày hôm qua, giúp giới đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về thực tại tình hình nền kinh tế số 1 thế giới.
Wells Fargo tăng khoảng 6,2% ngay cả khi lợi nhuận quý II giảm 48%, đồng thời phải gia tăng trích lập quỹ phòng ngừa nợ xấu. Cổ phiếu của Citigroup đã tăng 13,2% khi đạt được lợi nhuận cao hơn dự báo, do hưởng lợi từ việc lãi suất cao.
Xem thêm: Chứng khoán Mỹ phiên 14/7 chìm trong “biển đỏ”
Bên cạnh đó, Edward Moya - nhà phân tích cấp cao tại OANDA cho biết: “Thị trường đang dần đặt niềm tin vào Fed rằng cơ quan này sẽ không tăng lãi suất 1% vào cuối tháng”.
Ngoài ra, một ngày trước đó, báo cáo tài chính của JPMorgan Chase và Morgan Stanley đã khiến không ít nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”. Kéo theo đó, các nhà đầu tư đều lo lắng hơn trước khả năng tăng lãi suất mạnh tay của Fed cũng như khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Cùng với lợi nhuận các các ngân hàng, dữ liệu sơ bộ về doanh số bán lẻ và niềm tin người tiêu dùng đều cao hơn kỳ vọng. Những con số này dường như xoa dịu lo ngại về mức tăng 100 điểm cơ bản của Fed tại cuộc họp chính sách sắp tới cũng như phản ánh người tiêu dùng vẫn tích cực chi tiêu dù lạm phát đạt mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, công bố của Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic cho thấy rằng, ông có thể sẽ không ủng hộ một động thái tăng lãi suất cao hơn, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng, tăng lãi suất nhanh chóng có thể “làm suy yếu rất nhiều thứ vốn đang hoạt động tốt” trong nền kinh tế.
Mike Loewengart, Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Morgan Stanley’s E- cho biết: “Thị trường dường như đang đón nhận các tin tức trên với một tâm thế lạc quan mặc dù sức mạnh doanh số bán lẻ chỉ có thể khiến Fed tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế và chế ngự lạm phát”.
Xem thêm: Giới đầu tư lo ngại mùa báo cáo lợi nhuận sẽ châm ngòi cho đợt bán tháo mới