Trong số 7 công ty vốn hóa cao nhất thế giới, có tới 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Meta (công ty mẹ Facebook). Hai vị trí còn lại thuộc về Saudi Aramco - hãng dầu khí quốc gia của Saudi Arabia và hãng xe điện Mỹ Tesla.
Trong năm qua, Apple và Microsoft đã đạt được mức vốn hóa thị trường 3.000 tỷ USD, trong khi Tesla và công ty mẹ của Facebook là Meta đều lần đầu tiên đạt mốc 1.000 tỷ USD.
“Việc các Big Tech lọt vào ‘câu lạc bộ’ nghìn tỷ USD giờ đây được xem là bình thường ở thung lũng Silicon”, Dan Ives, nhà phân tích công nghệ tại Wedbush Securities nói với CNBC.
“Đây không còn là sự kiện ‘khủng’ như 2-3 năm trước nữa. Điều này cho thấy vị thế chưa từng có của Big Tech trong bối cảnh đại dịch toàn cầu”.
Dữ liệu từu Factset, tính từ đầu năm tới ngày 23/12/2021, giá trị vốn hóa Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Tesla và Meta đã tăng thêm tổng cộng 2.900 tỷ USD.
1. Apple
Vốn hóa vào ngày 2/1/2021: 2.200 tỷ USD
Vốn hóa vào ngày 23/12/2021: 2.900 tỷ USD
Bất chấp những vấn đề với chuỗi cung ứng làm gián đoạn việc sản xuất và mới chỉ vượt ngưỡng vốn hóa 2.000 tỷ USD vào tháng 8/2020, Apple đã dành năm 2021 để tiến dần tới mốc 3.000 tỷ USD. Vốn hóa của Apple đã tăng thêm 659,8 tỷ USD, tương đương 30% trong năm nay và tiếp tục là công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới.
2. Microsoft
Vốn hóa vào ngày 2/1/2021: 1.700 tỷ USD
Vốn hóa vào ngày 23/12/2021: 2.500 tỷ USD
Hãng công nghệ do tỷ phú Bill Gates đồng sáng lập vừa có một năm thành công rực rỡ khi tăng cường tập trung vào lĩnh vực điện toán đám mây. Giá cổ phiếu Microsoft đã tăng thêm 50% trong năm 2021, đưa vốn hóa của công ty lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 tỷ USD vào tháng 6. Hiện Microsoft đang cạnh tranh với Apple trên con đường trở thành công ty đầu tiên trên thế giới chạm ngưỡng vốn hóa 3.000 tỷ USD.
3. Alphabet
Vốn hóa vào ngày 2/1/2021: 1.200 tỷ USD
Vốn hóa vào ngày 23/12/2021: 2.000 tỷ USD
Alphabet, công ty mẹ Google, cán mốc vốn hóa 2.000 tỷ USD vào đầu tháng 11/2021, chưa đầy hai năm sau khi vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào tháng 1/2020. Năm qua, giá cổ phiếu này đã tăng 65% với báo cáo lợi nhuận vượt dự báo của các nhà phân tích. Mã này được hưởng lợi lớn nhờ đại dịch Covid-19, khi người dân phải ở nhà nhiều hơn và phụ thuộc vào các sản phẩm cũng như dịch vụ của Alphabet.
4. Saudi Aramco
Vốn hóa vào ngày 2/1/2021: 2.050 tỷ USD
Vốn hóa vào ngày 23/12/2021: 1.884 tỷ USD
Saudi Aramco là công ty duy nhất trong danh sách này có vốn hóa giảm so với hồi đầu năm. Dù vậy, hãng dầu khí này vẫn là công ty có vốn hóa lớn thứ 4 thế giới.
5. Amazon
Vốn hóa vào ngày 2/1/2021: 1.600 tỷ USD
Vốn hóa vào ngày 23/12/2021: 1.700 tỷ USD
Giá cổ phiếu Amazon năm 2021 biến động mạnh khi tăng tới 17% vào mùa hè so với đầu năm, nhưng sau đó sụt xuống chỉ còn mức tăng khiêm tốn 6%. Dù phải vật lộn với tăng trưởng doanh số chậm lại khi người tiêu dùng trở lại mua sắm trực tiếp và các vấn đề với chuỗi cung ứng, Amazon vẫn ghi nhận doanh thu 110,8 tỷ USD trong quý 3/2021.
Trong quý trước, công ty này cũng chứng kiến doanh thu từ dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services, quảng cáo và đăng ký dịch vụ Prime lần đầu tiên vượt qua doanh số bán lẻ thương mại điện tử.
6. Tesla
Vốn hóa vào ngày 2/1/2021: 677,4 tỷ USD
Vốn hóa vào ngày 23/12/2021: 1.100 tỷ USD
Năm 2020, cổ phiếu Tesla tăng giá chóng mặt với mức tăng hơn 5 lần, trở thành một trong những cái tên “nóng” nhất Phố Wall và đưa CEO Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới. Sang năm 2021, mã này tiếp tục tăng 46%, đưa Tesla lần đầu tiên vượt mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD. Để so sánh, Tesla đã vượt qua Toyota – nhà sản xuất ô tô có vốn hóa lớn thứ hai thế giới – vào tháng 7/2020, khi đó, hãng xe điện Mỹ mới chỉ có vốn hóa khiêm tốn 206 tỷ USD.
7. Meta
Vốn hóa vào ngày 2/1/2021: 778,2 tỷ USD
Vốn hóa vào ngày 23/12/2021: 932,6 tỷ USD
Facebook, hiện đã đổi tên thành Meta - công ty sở hữu loạt ứng dụng gồm Facebook, Messenger, Instagram và WhatsApp sắp gia nhập “câu lạc bộ” nghìn tỷ USD. Trải qua một năm sóng gió với loạt bê bối như rò rỉ dữ liệu, bị nhân viên cũ tố cáo…, tính tới ngày 23/12, giá cổ phiếu Meta tăng khoảng 20% so với đầu năm và có vốn hóa khoảng 932 tỷ USD.
“Bất chấp những ồn ào, việc kiếm tiền từ hàng tỷ người dùng của Facebook vẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ chóng mặt. Công ty này đang tập trung vào việc cải thiện tính năng Reels – tính năng cạnh tranh trực tiếp với TikTok (nền tảng chia sẻ video ngắn của công ty Trung Quốc Bytedance)”, nhà phân tích Ives, cho biết.
China Evergrande Group đến hạn phải thanh toán tiền lãi của hai lô trái phiếu vào ngày 28/12. Đây là “bài kiểm tra” lớn đầu tiên sau khi công ty bất động sản khổng lồ này bị chính thức xác định vỡ nợ cách đây ít lâu.
Các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc chỉ còn 2,78 triệu ứng dụng trong tháng 10, giảm từ con số 4,52 triệu vào tháng 12/2018. Đây được cho là sự sụt giảm lớn nhất diễn ra trong năm 2021, khi Bắc Kinh tăng cường thắt chặt kiểm soát đối với những ông lớn trong ngành internet.
Ngày 29/12, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại bật tăng mạnh so với phiên trước. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ cũng tiếp tục tăng.
Tính chung cả năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 . Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%.
CTCP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (HNX: PSD) mới đây đã phát đi thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức đợt 1 năm 2022.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đã lên kế hoạch nâng sở hữu CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn và CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tân thành công ty con sau khi ghi nhận lãi gần 5.500 tỷ đồng.