Các chính phủ ASEAN cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng như một phương thức giúp khu vực này ứng phó với các thách thức về biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo xanh hóa các chuỗi cung ứng trong khi đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Các chính phủ ASEAN cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng như một phương thức giúp khu vực này ứng phó với các thách thức về biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo xanh hóa các chuỗi cung ứng trong khi đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN vừa công bố Báo cáo Tăng cường Chuyển đổi Năng lượng của ASEAN nhằm hỗ trợ một trong những Chương trình kinh tế ưu tiên của Brunei. EU-ABC, đại diện cho lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trên khắp Đông Nam Á, lưu ý trong báo cáo của mình rằng nhu cầu năng lượng của ASEAN tiếp tục tăng, nhưng khu vực này vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cao, chiếm tới khoảng 80% năng lượng đang sử dụng.
Với những lo ngại ngày càng tăng về tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên, cũng như báo cáo gần đây của IPCC nêu rõ sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đáng báo động, ASEAN cần phải giải quyết tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than, cho nhu cầu năng lượng của mình.
Theo Donald Kanak, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN kiêm Chủ tịch Các thị trường tăng trưởng Prudential Insurance, trong tháng này, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã công bố báo cáo đánh giá thứ sáu “báo động cho nhân loại”, theo đó hành động quan trọng và khẩn cấp là cần giảm khí thải cacbon để tránh thảm họa khí hậu”.
EU-ABC tin rằng để có hành động hiệu quả đòi hỏi sự kết hợp giữa chính sách, tài chính và công nghệ, với hỗ trợ đặc biệt cho các nước đang phát triển. Điều đó có nghĩa là đưa ra các giải pháp thực tế mới, có thể mở rộng (chẳng hạn như các công cụ giảm thiểu rủi ro) có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và cung cấp một quá trình chuyển đổi công bằng cho những người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng.
“Một giải pháp như vậy có thể hỗ trợ ASEAN là Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) - một cách kết hợp tài chính công và tư nhân để đẩy nhanh quá trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời tăng đáng kể đầu tư vào năng lượng tái tạo. EU-ABC cùng các thành viên và các bên liên quan chính khác đang hỗ trợ chương trình do Ngân hàng Phát triển Châu Á dẫn đầu nhằm tìm hiểu tính khả thi của ETM tại một số quốc gia trong ASEAN,” Kanak bổ sung.
EU-ABC cũng kêu gọi các hành động khác, trong đó có xây dựng cơ chế phân loại tài chính xanh trên toàn ASEAN và tăng cường các công cụ giảm rủi ro để hỗ trợ phát triển các cơ chế tài chính bền vững trong khu vực được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các giải pháp chuyển đổi năng lượng.
Cần loại bỏ dần các khoản chi cho nhiên liệu hóa thạch trong toàn khu vực và chuyển khoản tiền đó sang hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, cũng như tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong giải quyết các vấn đề cơ sở hạ tầng hiện đang gây kìm hãm quá trình chuyển đổi năng lượng.