Thị trường bất động sản lung lay trên khắp thế giới gây ra một rủi ro khác cho nền kinh tế toàn cầu khi lãi suất cao hơn làm “xói mòn” tài chính của các hộ gia đình và làm trầm trọng thêm tình trạng giá nhà sụt giảm.
Thị trường bất động sản lung lay trên khắp thế giới gây ra một rủi ro khác cho nền kinh tế toàn cầu khi lãi suất cao hơn làm “xói mòn” tài chính của các hộ gia đình và làm trầm trọng thêm tình trạng giá nhà sụt giảm.
Các báo cáo trong tuần này cho thấy sự sa sút của thị trường nhà đất Mỹ đã kéo dài sang tháng thứ 5. Doanh số bán nhà tại Trung Quốc tiếp tục trượt dốc và đà giảm giá nhà tiếp diễn ở Australia và New Zealand.
Giá bất động sản trượt dốc có nguy cơ làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và đè nặng lên chi tiêu hộ gia đình, vốn là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2022. Hoạt động đầu tư cũng có thể bị ảnh hưởng khi các nhà phát triển thu hẹp quy mô dự án trước tình hình giá giảm và nhu cầu suy yếu.
Tại Mỹ, tỷ lệ thế chấp tăng cao vào năm ngoái đã phủ bóng đen trên thị trường nhà ở, dẫn đến sự sụt giảm tồi tệ nhất trong doanh số bán nhà đã qua sử dụng giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ. Nhu cầu yếu càng gây áp lực cho giá nhà.
Sự căng thẳng đó sẽ tiếp tục diễn ra trong chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhằm giải quyết lạm phát.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, tình trạng suy thoái bất động sản đang có ít dấu hiệu giảm bớt, ngay cả khi chính quyền tăng cường nỗ lực hồi sinh ngành này. Doanh số bán nhà mới đã giảm 32,5% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu sơ bộ từ công ty China Real Estate Information.
Các quan chức đã ngưng chiến dịch kiểm soát đòn bẩy của doanh nghiệp trong ngành bất động sản và thực hiện một số biện pháp để tăng nguồn lực tài chính của các nhà phát triển.
Chính quyền địa phương cũng đang gắng sức để kích cầu nhà đất bằng những cách như giảm lãi suất cho vay thế chấp và nới lỏng yêu cầu trả trước.
Gần đây, ngân hàng Nomura đã nâng triển vọng tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc, nhưng vẫn lưu ý rằng sự yếu kém của thị trường nhà đất có thể gây ra tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Xem thêm: Thiếu nhà ở “vừa túi tiền” với đa số người dân
Song song đó, giá nhà tiếp tục giảm ở Úc và New Zealand vào tháng 1 và nhiều khả năng sẽ còn trượt dài. Nhiều hộ gia đình New Zealand đang trả nợ vay thế chấp theo lãi suất cố định và chưa bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tăng lãi suất của ngân hàng trung ương hồi năm ngoái.
Do đó, các nhà kinh tế dự đoán giá nhà sẽ giảm hơn nữa và thấp hơn ít nhất 20% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2021 vào đầu năm 2024.
Tại thủ đô Wellington, giá đã giảm 18,1% so với một năm trước đó, theo dữ liệu của CoreLogic. Tại Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand, giá giảm 8,2%.
Theo một báo cáo của Bloomberg Intelligence, đây là một câu chuyện tương tự ở Úc với nghĩa vụ nợ gia tăng trong năm nay khi các khoản vay thế chấp chuyển sang mức lãi suất biến đổi cao hơn sẽ ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng.
Ngoài ra, Singapore là quốc gia có thị trường nhà đất vững chắc hơn nhiều nước khác, song cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Dữ liệu tuần vừa qua cho thấy giá nhà chỉ tăng 0,4% trong quý IV/2022, tốc độ thấp nhất trong hơn hai năm. Doanh số tháng 12 giảm xuống gần mức thấp nhất trong vòng 14 năm.
Tuy nhiên, một phần của sự suy giảm bắt nguồn từ việc khan hiếm các đợt ra mắt bất động sản mới và các nhà phân tích kỳ vọng doanh số sẽ tăng trở lại khi nguồn cung tăng lên. Các khách mua giàu có cũng đang nâng đỡ cho thị trường bất động sản xa xỉ.
Đáng chú ý, điểm sáng hiếm hoi đến từ Hong Kong. Thị trường nhà đất của thành phố đang bắt đầu phục hồi sau khi biên giới với Trung Quốc đại lục được mở cửa trở lại. Theo Bloomberg Intelligence, doanh số bán nhà mới ở Hong Kong có thể tăng vọt hơn 50% trong năm nay nhờ nhu cầu của người mua từ đại lục.
Xem thêm: Rửa tiền đẩy giá nhà đất ‘lên trời’, tỷ đô cất giấu vào bất động sản